CellCept

CellCept

mycophenolic acid

Nhà sản xuất:

Roche
Thông tin kê toa chi tiết tiếng Việt
Thành phần
Mỗi viên nang: Mycophenolate mofetil 250 mg.
Mỗi viên nén:
Mycophenolate mofetil 500 mg.
Mô tả
CellCept dạng viên nang: viên nang dài, xanh lơ/nâu, có dòng chữ “CellCept 250” màu đen ở vỏ nang và logo công ty ở thân nang.
CellCept dạng viên nén: viên dẹt, hai đầu tròn, có màu đỏ nhạt, dòng chữ “CellCept 500” màu đen ở một mặt và logo công ty ở mặt kia.
Dược lý
CÁC ĐẶC TÍNH DƯỢC LỰC HỌC
Nhóm dược lý: Tác nhân ức chế miễn dịch chọn lọc – Mycophenolic acid.
Mã ATC – L04AA06
Cơ chế tác dụng
Mycophenolate mofetil (MMF) là dạng este 2-morpholinoethyl của mycophenolic axit (MPA). MPA là một chất ức chế enzym inosine monophosphate dehydrogenase (IMPDH) với tính chất ức chế mạnh, chọn lọc, không cạnh tranh và có khả năng phục hồi, vì vậy, thuốc ức chế con đường de novo của quá trình tổng hợp guanosine nucleotide. Cơ chế MPA ức chế hoạt tính enzyme của IMPDH dường như là do MPA có khả năng bắt chước về mặt cấu trúc của cả đồng yếu tố nicotinamide adenine dinucleotide lẫn một phân tử nước xúc tác. Điều này sẽ ngăn cản sự oxy hóa IMP thành xanthose-5’-monophosphate là bước chính trong con đường denovo của quá trình tổng hợp guanosine nucleotide. MPA có tác dụng kìm hãm dòng lympho bào mạnh hơn đối với các dòng tế bào khác bởi vì tế bào lympho T và lympho B bị lệ thuộc rất nhiều vào sự tăng sinh của chúng trong con đường de novo của quá trình tổng hợp purines, trong khi những dòng tế bào khác có thể tận dụng những con đường tái tạo khác.
Những nghiên cứu về hiệu quả/lâm sàng
Những nghiên cứu về ghép tạng

Trong các thử nghiệm lâm sàng về điều trị dự phòng các giai đoạn thải trừ mảnh ghép trong ghép thận, tim và gan, CellCept đã được dùng phối hợp với globulin kháng tế bào tuyến ức, OKT3, ciclosporin và corticosteroids. CellCept cũng được dùng phối hợp với ciclosporin và corticosteroid trong đợt điều trị thải ghép thận dai dẳng khó điều trị. Trước khi điều trị với CellCept, bệnh nhân đã được dùng globulin kháng tế bào lympho, globulin kháng tế bào tuyến ức và OKT3. Sau đó, CellCept được sử dụng cùng với daclizumab và tacrolimus trong những thử nghiệm lâm sàng này.
Dự phòng thải ghép tạng
Bệnh nhân trưởng thành
Tính an toàn và hiệu quả của CellCept khi dùng phối hợp với corticosteroid và ciclosporin để điều trị dự phòng thải ghép tạng đã được đánh giá ở những bệnh nhân được ghép thận trong ba thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm; ở những bệnh nhân được ghép tim trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm; và ở những bệnh nhân được ghép gan trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm.
Bệnh nhi
Tính an toàn, dược động học, hiệu quả điều trị của CellCept khi phối hợp với corticosteroid và ciclosporin trong dự phòng thải ghép ở bệnh nhi ghép thận được đánh giá trong nghiên cứu nhãn mở, đa trung tâm trên 100 bệnh nhân (tuổi từ 3 tháng - 18 tuổi).
Ghép thận
Bệnh nhân trưởng thành
Ba thử nghiệm so sánh hai mức liều dùng đường uống của CellCept (1g x 2 lần mỗi ngày và 1,5g x 2 lần mỗi ngày) kết hợp với azathioprine (2 thử nghiệm) hoặc giả dược (1 thử nghiệm) và dùng phối hợp với ciclosporin và corticosteroid để điều trị dự phòng những giai đoạn thải ghép cấp tính.
Kết cuộc chính về hiệu quả của thuốc là tỷ lệ số bệnh nhân trong từng nhóm trị liệu bị thất bại với điều trị trong vòng 6 tháng đầu sau khi ghép tạng (thất bại với điều trị được xác định khi: có sự thải ghép cấp trong quá trình điều trị được khẳng định qua sinh thiết; hoặc khi bệnh nhân tử vong hoặc mất tạng ghép; hoặc khi bệnh nhân phải kết thúc sớm, không theo tiếp được cuộc thử nghiệm vì bất kỳ lý do nào, mà không có tình trạng thải ghép được khẳng định qua sinh thiết trước đó). CellCept được nghiên cứu trong ba liệu trình điều trị sau: (1) cho dùng globulin kháng tế bào tuyến ức/sau đó dùng MMF hoặc azathioprine/ciclosporin/corticosteroids, (2) MMF hoặc azathioprine/ciclosporin/corticosteroids, và (3) MMF hoặc giả dược/ciclosporin/corticosteroids.
CellCept, khi phối hợp với corticosteroids và ciclosporin làm giảm (có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức <0,05) tỷ lệ thất bại với điều trị trong vòng 6 tháng đầu sau khi ghép tạng. Bảng dưới đây tóm tắt kết quả của những thử nghiệm này. Những bệnh nhân phải ngừng điều trị sớm đã được theo dõi về tình trạng tử vong hoặc mất tạng ghép, và người ta đã tóm tắt riêng rẽ tỷ lệ lũy tích tình trạng mất tạng ghép và tình trạng tử vong. Những bệnh nhân phải ngừng điều trị sớm đã không được theo dõi về tình trạng thải ghép cấp tính sau khi ngưng thuốc. Số bệnh nhân trong nhóm dùng CellCept phải ngưng điều trị (không có tình trạng thải ghép được khẳng định qua sinh thiết trước đó, tử vong hoặc mất tạng ghép) nhiều hơn so với số bệnh nhân phải ngưng điều trị trong nhóm chứng, với tỷ lệ cao nhất trong nhóm dùng CellCept 3g/ngày. Do đó, tỷ lệ thải ghép cấp tính có thể được đánh giá không đúng mức, đặc biệt là ở nhóm dùng CellCept 3g/ngày.
- xem Bảng 1.

Image from Drug Label Content

Tỷ lệ lũy tích của tình trạng mất tạng ghép và tử vong trong 12 tháng đã được trình bày trong bảng dưới đây. Không thiết lập được sự vượt trội của CellCept về tỷ lệ mất tạng ghép và tỷ lệ bệnh nhân tử vong. Về số lượng, những bệnh nhân dùng CellCept 2g/ngày và 3g/ngày có kết quả tốt hơn so với nhóm chứng trong cả ba thử nghiệm; bệnh nhân dùng CellCept 2g/ngày có kết quả tốt hơn bệnh nhân dùng CellCept 3g/ngày trong hai trong số ba thử nghiệm này. Những bệnh nhân phải kết thúc điều trị sớm ở tất cả các nhóm đều có kết quả kém với hiện tượng mất tạng ghép và tử vong trong vòng một năm.
- xem Bảng 2.

Image from Drug Label Content

Trẻ em (từ 3 tháng đến 18 tuổi)
Nghiên cứu về dược động học, an toàn và hiệu quả, nhãn mở, của CellCept bột pha hỗn dịch uống kết hợp với ciclosporin và corticosteroid để chống thải ghép thận đồng loại (allograft) tiến hành trên 100 bệnh nhân nhi (tuổi từ 3 tháng đến 18 tuổi) ở một số trung tâm ở Mỹ (9), Châu Âu (5) và Úc (1). CellCept được dùng ở liều 600mg/m2 hai lần mỗi ngày (lên đến 1g hai lần mỗi ngày) ở tất cả các nhóm tuổi.
Kết cục chính về hiệu quả được đo lường bằng tỷ lệ bệnh nhân xảy ra thải ghép cấp tính trong 6 tháng đầu sau cấy ghép. Tỷ lệ thải ghép có bằng chứng mô học tương tự như trên các nhóm khác (3 tháng đến <6 tuổi, 6 tuổi đến <12 tuổi, 12 tuổi đến <18 tuổi). Tỷ lệ thải ghép có bằng chứng mô học toàn phần trên bệnh nhân 6 tháng tương đương với ở bệnh nhân trưởng thành. Tỷ lệ hỏng tạng ghép (5%) và tử vong (2%) ở bệnh nhân 12 tháng tuổi sau khi ghép thận tương tự như tỷ lệ quan sát thấy trên bệnh nhân trưởng thành ghép thận.
Ghép tim
Một thử nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên, so sánh, nhóm tương đương, đa trung tâm đã được tiến hành trên những bệnh nhân được ghép tim lần đầu. Tổng số bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm là 650 người, trong đó có 72 người chưa bao giờ được điều trị bằng thuốc thử nghiệm và 578 người được điều trị bằng thuốc thử nghiệm. Những bệnh nhân được dùng CellCept 1,5g x 2 lần mỗi ngày (n=289) hoặc azathioprine 1,5-3mg/kg/ngày (n=289) phối hợp với ciclosporin và corticosteroids là liệu pháp duy trì ức chế miễn dịch. Hai kết cuộc chính về hiệu quả là: (1) tỷ lệ số bệnh nhân sau khi ghép tim có ít nhất một lần bị thải ghép đã được khẳng định qua sinh thiết cơ màng trong cơ tim có tổn hại huyết động lực, hoặc được tái ghép hoặc tử vong, trong vòng 6 tháng đầu; và (2) tỷ lệ bệnh nhân tử vong hoặc tái ghép trong vòng 12 tháng sau khi được ghép tim. Những bệnh nhân phải kết thúc điều trị sớm được theo dõi về tình trạng thải ghép dị mô trong vòng 6 tháng và về tử vong trong vòng 1 năm.
1. Thải ghép: Không có sự khác biệt nào giữa CellCept và azathioprine (AZA) trên tình trạng thải ghép được khẳng định qua sinh thiết, có tổn hại huyết động lực, như đã được trình bày trong bảng 3:
- xem Bảng 3.

Image from Drug Label Content

2. Sống sót: Ở những bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tình trạng tử vong và tái ghép tim giữa nhóm bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để điều trị với MMF và nhóm bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để điều trị với AZA. Ở những bệnh nhân được dùng thuốc thử nghiệm, giới hạn dưới của 97,5% khoảng tin cậy của sự khác biệt giữa tử vong và tái ghép tim là 0,9 trong vòng 1 năm, cho thấy rằng MMF có ưu điểm hơn AZA ở những bệnh nhân này, điều này được trình bày ở bảng 4.
- xem Bảng 4.

Image from Drug Label Content

Ghép gan
Một nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên, so sánh, nhóm tương đương, đa trung tâm về những bệnh nhân được ghép gan lần đầu tiên đã được tiến hành tại 16 trung tâm ở Mỹ, 2 trung tâm ở Canada, 4 trung tâm ở Châu Âu và 1 trung trung tâm ở Úc. Tổng số bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu này là 565 người và 564 người được dùng thuốc nghiên cứu. Những bệnh nhân này hoặc là được tiêm tĩnh mạch CellCept 1g x 2 lần mỗi ngày trong 14 ngày, sau đó uống CellCept 1,5g x 2 lần mỗi ngày hoặc là được tiêm tĩnh mạch azathioprine 1-2mg/kg/ngày, sau đó uống azathioprine 1-2mg/kg/ngày; kết hợp với ciclosporin và corticosteroid là liệu pháp duy trì ức chế miễn dịch. Hai mục tiêu đánh giá chính là: (1) tỷ lệ bệnh nhân trong vòng 6 tháng đầu sau khi ghép gan có một hoặc nhiều giai đoạn thải ghép đã được khẳng định qua sinh thiết và đã được điều trị, hoặc được tái ghép hoặc tử vong; và (2) tỷ lệ bệnh nhân bị mất tạng ghép (tử vong hoặc được tái ghép) trong vòng 12 tháng sau khi được ghép gan. Những bệnh nhân phải kết thúc điều trị sớm được theo dõi về tình trạng mất tạng ghép (tử vong hoặc được tái ghép) trong vòng 1 năm. Kết quả: Trong phân tích cơ bản (trên nhóm được dự định điều trị), CellCept dùng phối hợp với corticosteroids và ciclosporin có ưu điểm vượt trội hơn azathioprine trong việc điều trị dự phòng thải ghép cấp tính (p=0,025) và tương đương với azathioprine trong việc duy trì sự sống cho bệnh nhân.
- xem Bảng 5.

Image from Drug Label Content

Điều trị thải ghép tạng khó điều trị
Một nghiên cứu ngẫu nhiên, nhãn mở so sánh giữa MMF 3g mỗi ngày và corticosteroid tiêm tĩnh mạch đã được tiến hành trên 150 bệnh nhân được ghép thận bị thải ghép dị mô tế bào, cấp tính, khó điều trị. Mục tiêu chính trong nghiên cứu này là tỷ lệ bệnh nhân còn sống với tạng ghép còn chức năng hoạt động trong vòng 6 tháng sau khi tham gia nghiên cứu.
Kết quả: Tỷ lệ mất tạng ghép trong nhóm chứng thấp hơn mong đợi; và phân tích cơ bản dựa trên test tỷ lệ xác suất liên tục cho thấy có xu hướng sống sót với tạng ghép được cải thiện trong nhóm dùng MMF (p=0,081). Một phân tích phụ, sử dụng test Cochran-Mantel-Haenzel (không được điều chỉnh để theo dõi liên tục) cho thấy có sự giảm 45% tỷ lệ bị mất tạng ghép hoặc tử vong trong vòng 6 tháng sau khi tham gia nghiên cứu trong nhóm MMF (p=0,062).
- xem Bảng 6.

Image from Drug Label Content

Những nghiên cứu về viêm thận lupus
Nhiều nghiên cứu đã điều tra về việc sử dụng CellCept để điều trị dẫn nhập và điều trị duy trì cho viêm thận lupus. Hai phân tích tổng hợp lớn đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ nhất để hỗ trợ cho việc sử dụng CellCept trong điều trị viêm thận lupus:
• Tổ chức Cochrane Collaboration đã xem xét lại 50 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng bao gồm 2846 người trưởng thành và trẻ em bị viêm thận lupus có bằng chứng sinh thiết loại III-V được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. MMF phối hợp với corticosteroids đã cho thấy có hiệu quả như cyclophosphamide tiêm truyền tĩnh mạch phối hợp với corticosteroid để ngăn ngừa tử vong, làm giảm hoàn toàn protein niệu và đạt được chức năng thận ổn định ở thời điểm 6 tháng với độc tính thấp hơn. Trong điều trị duy trì, MMF phối hợp với corticosteroids hiệu quả hơn AZA với corticosteroids để ngăn ngừa tái phát mà không có sự khác biệt về các tác dụng phụ quan trọng trên lâm sàng.
• Tổ chức Thận Quốc Gia đã xem xét lại 53 thử nghiệm ngẫu nhiên bao gồm 4222 người trưởng thành và trẻ em (từ 10 tuổi) bị viêm thận lupus tăng sinh được điều trị ức chế miễn dịch. Ba mươi tám thử nghiệm được Cochrane xem xét cũng đã được đưa vào phân tích tổng hợp này. MMF phối hợp với corticosteroids có hiệu quả như cyclophosphamide tiêm truyền tĩnh mạch phối hợp với corticosteroids để làm giảm bệnh viêm thận lupus với khả năng dung nạp được cải thiện. MMF phối hợp với corticosteroids tốt hơn AZA phối hợp với corticosteroids để duy trì sự thuyên giảm bệnh.
Kết quả của các phân tích tổng hợp này phù hợp với kết quả của nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng lớn nhất về viêm thận lupus, Nghiên cứu Quản lý Lupus Aspreva (ALMS), là một nghiên cứu hai giai đoạn điều tra hiệu quả của CellCept trong điều trị dẫn nhập và điều trị duy trì trên bệnh nhân viêm thận lupus loại III-V. Trong giai đoạn điều trị dẫn nhập của nghiên cứu, bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm: dùng CellCept 3g/ngày hoặc dùng cyclophosphamide tiêm truyền tĩnh mạch 0,5 – 1,0 g/m2/tháng trong 6 tháng. Cả hai nhóm đều dùng prednisone, giảm dần liều từ liều khởi phát tối đa 60 mg/ngày. Không có sự khác biệt đáng kể về số bệnh nhân đã đạt được tiêu chí chính là giảm tỷ lệ protein/creatinine trong nước tiểu đã được xác định trước và ổn định hoặc cải thiện creatinine huyết thanh, hỗ trợ cho kết quả của các phân tích tổng hợp là CellCept có hiệu quả như cyclophosphamide tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị dẫn nhập. Trong giai đoạn nghiên cứu 36 tháng điều trị duy trì, tiêu chí chính là thời gian đến khi điều trị thất bại được đo là khoảng thời gian đến khi biến cố đầu tiên được xác định là tử vong, bệnh thận giai đoạn cuối, mức creatinine huyết thanh tăng gấp đôi kéo dài, đợt viêm thận bùng phát, hoặc nhu cầu điều trị cứu vãn. CellCept (2g/ngày) tốt hơn AZA (2mg/kg/ngày) về thời gian đến khi điều trị thất bại (tỷ số nguy cơ, 0,44; khoảng tin cậy 95%, 0,25 đến 0,77; P=0,003), điều này hỗ trợ cho kết quả của các phân tích tổng hợp là MMF có hiệu quả hơn azathioprine trong phòng ngừa tái phát.
Tính sinh miễn dịch
Không có dữ liệu
CÁC ĐẶC TÍNH DƯỢC ĐỘNG HỌC
Dược động học của mycophenolate mofetil (MMF) đã được nghiên cứu ở những bệnh nhân ghép thận, tim và gan và những bệnh nhân viêm thận lupus.
Nhìn chung, dược động học của MPA ở bệnh nhân ghép tim và ghép thận thì giống nhau. Trong giai đoạn ngay trước khi ghép, những bệnh nhân ghép gan uống một liều MMF 1,5g hoặc tiêm tĩnh mạch một liều MMF 1g có nồng độ MPA tương đương so với những bệnh nhân ghép thận dùng 1g MMF đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Hồ sơ dược động học của MPA trong điều trị viêm thận lupus tương tự như hồ sơ dược động học đã được báo cáo trong ghép tạng (bao gồm cả khả năng biến đổi cao trong phơi nhiễm với thuốc có hoạt tính quan sát được) nhưng phức tạp do những thay đổi không dự đoán được về chức năng thận ở những bệnh nhân viêm thận lupus.
Hấp thu
Sau khi được dùng theo đường uống và đường truyền, mycophenolate mofetil được hấp thu nhanh và rộng và chuyển hoàn toàn thành chất chuyển hóa có hoạt tính, đó là MPA. Sinh khả dụng trung bình của mycophenolate mofetil dùng đường uống, dựa vào AUC của MPA, là 94% so với mycophenolate mofetil dùng theo đường tĩnh mạch. Mycophenolate mofetil có thể được đánh giá một cách hệ thống sau khi truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, sau khi uống, nồng độ thuốc thấp hơn mức giới hạn xác định (0,4 μg/mL).
Thời gian đầu sau khi ghép (< 40 ngày), những bệnh nhân ghép thận, tim và gan có giá trị AUC trung bình của MPA thấp hơn khoảng 30% và mức Cmax thấp hơn khoảng 40% so với khoảng thời gian sau ghép lâu hơn (sau 3-6 tháng). Đây được gọi là tính không ổn định về dược động học của MPA. Giá trị AUC của MPA đạt được sau khi dùng CellCept đường truyền tĩnh mạch 1g x hai lần mỗi ngày, với tốc độ truyền được khuyến cáo cho bệnh nhân thận ngay sau khi ghép, tương đương với AUC của MPA sau khi được dùng đường uống. Ở những bệnh nhân ghép gan, dùng 1g CellCept đường tĩnh mạch, hai lần mỗi ngày, sau đó uống 1,5g CellCept hai lần mỗi ngày cho thấy giá trị AUC của MPA tương đương với giá trị được ghi nhận ở những bệnh nhân ghép thận được dùng 1g CellCept hai lần mỗi ngày.
Thức ăn không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu (AUC của MPA) của mycophenolate mofetil khi được dùng với liều 1,5g dùng ngày 2 lần cho các bệnh nhân ghép thận. Tuy nhiên, nồng độ đỉnh của MPA giảm khoảng 40% khi có mặt thức ăn.
Tương đương của dạng bào chế đường uống
Tương đương sinh học của các dạng bào chế đường uống của CellCept đã được đánh giá. Hai viên nén 500 mg được chứng minh tương đương với 4 viên nang 250 mg.
Tương tự vậy, bột pha hỗn dịch uống CellCept 1g/5mL tương đương sinh học với 4 viên nang 250mg (xem mục Liều lượng và cách dùng).
Phân phối
Nhờ có sự tái hấp thu qua vòng tuần hoàn gan-ruột, nồng độ MPA huyết tương thường tăng lên khoảng 6-12 giờ sau khi dùng thuốc. AUC của MPA giảm đi gần 40% khi sử dụng đồng thời cholestyramine (4g ba lần một ngày) phù hợp với sự gián đoạn của vòng tái tuần hoàn gan-ruột.
Ở nồng độ có tác dụng trên lâm sàng, 97% MPA gắn với albumin huyết tương. Giá trị này phụ thuộc vào chức năng thận; sự thay đổi trong gắn kết albumin sau khi khởi đầu điều trị có thể giải thích sự không ổn định dược động học của MPA.
Chuyển hóa
MPA đươc chuyển hóa bởi glucuronyl transferase (isoform đồng phân UGT1A9) thành dạng không hoạt tính phenolic glucuronide của MPA (MPAG). Trên in vivo, MPAG được chuyển ngược thành MPA tự do thông qua vòng tái tuần hoàn gan-ruột. Một lượng nhỏ acylglucuronide (AcMPAG) cũng được hình thành. AcMPAG là chất có hoạt tính dược lý và được cho là chất gây ra một số tác dụng không mong muốn của MMF (tiêu chảy, giảm bạch cầu).
Thải trừ
Dùng mycophenolate mofetil đường uống có gắn phóng xạ có thể thu được hoàn toàn lượng thuốc đã dùng, với 93% lượng thuốc được tìm thấy trong nước tiểu và 6% được tìm thấy trong phân. Phần lớn (khoảng 87%) của liều thuốc được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng MPAG. Một số lượng không đáng kể (<1% của liều) được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng MPA.
Ở các nồng độ điều trị lâm sàng, MPA và MPAG không bị đào thải bởi quá trình lọc máu. Tuy nhiên, với nồng độ MPAG cao (>100μg/mL), một lượng nhỏ MPAG cũng bị loại bỏ. Do thuốc qua vòng tuần hoàn gan ruột, những thuốc lấy đi acid mật, ví dụ như cholestyramine, làm giảm AUC của MPA (xem mục Quá liều).
Thải trừ MPA phụ thuộc vào nhiều chất vận chuyển. Vận chuyển anion hữu cơ polypeptide (OATPs) và protein 2 liên quan đến đa đề kháng thuốc (MRP2) cũng liên quan đến việc thải trừ MPA; đồng phân OATP, MRP2 và protein kháng ung thư vú (BCRP) là những chất vận chuyển liên quan đến việc bài tiết mật của glucuronides. Protein 1 đa đề kháng thuốc (MDR1) cũng có thể vận chuyển MPA, nhưng vai trò của chất này dường như được giới hạn trong quá trình hấp thu. Ở thận MPA và các chất chuyển hóa có thể tương tác với chất vận chuyển anion hữu cơ ở thận.
Dược động học ở những đối tượng đặc biệt
Suy thận
Trong một nghiên cứu dùng liều đơn (mỗi nhóm 6 đối tượng), nồng độ AUC trung bình của MPA được quan sát sau khi dùng đường uống ở những bệnh nhân bị suy thận mạn tính nặng (mức lọc cầu thận < 25mL/phút/1,73m2), ở mức cao hơn 28-75% so với nồng độ này quan sát được ở những đối tượng khỏe mạnh hay ở những bệnh nhân có suy thận mức độ nhẹ hơn. Tuy nhiên, nồng độ trung bình AUC của MPAG khi dùng liều đơn ở những bệnh nhân suy thận nặng cao hơn gấp 3-6 lần so với những trường hợp khỏe mạnh hoặc bị suy thận nhẹ, phù hợp với sự thải trừ của MPAG qua thận đã được biết.
Dược động học khi dùng nhiều liều mycophenolate mofetil ở bệnh nhân suy thận mạn tính nặng chưa được nghiên cứu.
Có rất ít thông tin trên bệnh nhân viêm thận lupus bị suy thận nặng. Cần theo dõi điều trị ở bệnh nhân viêm thận lupus có tốc độ lọc cầu thận < 30 mL/phút.
Những bệnh nhân có chức năng thận phục hồi chậm sau ghép
Ở những bệnh nhân có chức năng thận phục hồi chậm sau ghép, AUC0-12 trung bình trong huyết tương của MPA tương đương với nồng độ ở những bệnh nhân có chức năng tạng ghép phục hồi bình thường. Có thể có tăng nhẹ nồng độ MPA huyết tương và MPA tự do ở những bệnh nhân có chức năng thận phục hồi chậm sau ghép. Không cần điều chỉnh liều của CellCept (xem mục Các hướng dẫn sử dụng liều đặc biệt). AUC0-12 trung bình của MPAG trong huyết tương cao gấp 2-3 lần so với những bệnh nhân có chức năng thận ghép hồi phục bình thường sau ghép thận.
Ở những bệnh nhân sau ghép thận mà tạng ghép không hồi phục chức năng, nồng độ trong huyết tương của MPAG được tích lũy; sự tích lũy của MPA, nếu có thì nhỏ hơn nhiều.
Suy gan
Nhìn chung, dược động học của MPA và MPAG không bị ảnh hưởng bởi bệnh nhu mô gan ở những người tình nguyện bị xơ gan do rượu khi dùng MMF đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch. Ảnh hưởng của bệnh gan đối với quá trình này có thể tùy theo từng bệnh cụ thể. Bệnh gan với tổn thương chủ yếu ở đường mật, ví dụ như xơ gan ứ mật tiên phát, có thể gây ra một ảnh hưởng khác.
Bệnh nhi (≤ 18 tuổi)
Các thông số dược động học được đánh giá trên 55 bệnh nhi ghép thận (trong khoảng từ 1 tuổi đến 18 tuổi) sử dụng 600 mg/m2 mycophenolate mofetil đường uống hai lần mỗi ngày (liều tối đa lên đến 1g hai lần mỗi ngày). Liều này đạt được giá trị AUC của MPA tương tự như trên bệnh nhân trưởng thành ghép thận dùng CellCept liều 1g hai lần mỗi ngày trong giai đoạn sớm và muộn sau ghép thận. Giá trị AUC của MPA giữa các nhóm tuổi tương tự nhau trong giai đoạn sớm và muộn sau ghép thận.
Dược động học không được đánh giá chính thức ở bệnh nhân nhi bị viêm thận lupus. Tuy nhiên, ở bệnh nhân lupus ban đỏ (một số bệnh nhân có liên quan đến thận), các giá trị AUC0-12 của MPA điển hình sau khi dùng MMF đã được thấy là tương tự nhau ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.
Bệnh nhân cao tuổi (≥65 tuổi)
Dược động học của mycophenolate mofetil và chất chuyển hóa của nó không thay đổi ở bệnh nhân ghép tạng cao tuổi khi so sánh với bệnh nhân ghép tạng trẻ tuổi.
CÁC DỮ LIỆU AN TOÀN PHI LÂM SÀNG
Hệ thống tạo máu và bạch huyết là những cơ quan bị ảnh hưởng chính trong các nghiên cứu nhiễm độc được tiến hành ở chuột lớn, chuột nhắt, chó và khỉ với mycophenolate mofetil. Các ảnh hưởng này xảy ra khi nồng độ thuốc trong cơ thể bằng hoặc thấp hơn nồng độ lâm sàng với liều 2g/ngày ở bệnh nhân ghép thận. Các ảnh hưởng tới hệ dạ dày-ruột quan sát được ở chó với mức nồng độ thuốc trong cơ thể bằng hoặc thấp hơn nồng độ lâm sàng với những liều khuyên dùng. Tác dụng trên dạ dày-ruột và thận với biểu hiện mất nước cũng thấy ở khỉ với liều cao nhất (nồng độ trong cơ thể bằng hoặc cao hơn nồng độ trên lâm sàng). Đặc tính phi lâm sàng về độc tính của mycophenolate mofetil dường như tương đồng với các biến cố bất lợi quan sát được trong các thử nghiệm lâm sàng ở người, điều này đã cung cấp các dữ liệu về an toàn phù hợp hơn cho những cộng đồng bệnh nhân hiện nay (xem mục Tác dụng không mong muốn).
Tính sinh ung thư
Trong các mô hình thử nghiệm, mycophenolate mofetil không gây ung thư. Liều cao nhất trong các nghiên cứu gây ung thư ở động vật đưa đến nồng độ trong cơ thể (diện tích dưới đường cong hoặc nồng độ tối đa) cao gấp 2-3 lần ở bệnh nhân ghép thận dùng liều được khuyến cáo trên lâm sàng 2g/ngày và cao gấp 1,3-2 lần ở bệnh nhân ghép tim dùng liều được khuyến cáo trên lâm sàng 3g/ngày.
Độc tính trên gen
Hai thử nghiệm về độc tính trên gen (thử nghiệm thymidine kinase/u bạch huyết ở chuột và thử nghiệm làm sai lạc vi nhân ở chuột) đã cho thấy rằng mycophenolate mofetil có thể gây nên sự không ổn định nhiễm sắc thể tại các mức liều gây độc tế bào mạnh. Các thử nghiệm khác gây độc trên gen (thử nghiệm gây đột biến vi khuẩn, thử nghiệm chuyển đổi gen gián nhân ở men hoặc thử nghiệm làm sai lạc nhiễm sắc thể ở tế bào trứng của chuột hamster Trung Quốc) đã không đưa ra được các bằng chứng gây đột biến gen.
Tính gây suy giảm khả năng sinh sản
Mycophenolate mofetil không có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chuột đực ở liều uống tới 20mg/kg/ngày. Nồng độ thuốc trong cơ thể tại liều này cao gấp 2-3 lần nồng độ lâm sàng ở bệnh nhân ghép thận dùng liều 2g/ngày và cao gấp 1,3-2 lần nồng độ lâm sàng ở bệnh nhân ghép tim dùng liều 3g/ngày. Trong một nghiên cứu về khả năng sinh sản của giống cái được tiến hành trên chuột, liều dùng đường uống 4,5mg/kg/ngày đã gây dị tật (bao gồm tật không nhãn cầu, tật không hàm dưới và não úng thủy) ở chuột con thuộc thế hệ đầu tiên mà không thấy có nhiễm độc ở chuột mẹ. Nồng độ trong cơ thể tại liều này vào khoảng 0,5 lần nồng độ lâm sàng ở bệnh nhân ghép thận dùng liều 2g/ngày và khoảng 0,3 lần nồng độ lâm sàng ở bệnh nhân ghép tim dùng liều 3g/ngày. Không thấy có ảnh hưởng lên khả năng sinh sản và các thông số sinh sản ở chuột mẹ hoặc ở các thế hệ sau.
Độc tính sinh sản
Trong các nghiên cứu gây quái thai ở chuột và thỏ, sự tiêu thai và các dị tật về thai xảy ra ở chuột với liều 6mg/kg/ngày (bao gồm tật không nhãn cầu, tật không hàm dưới và não úng thủy) và ở thỏ với liều 90 mg/kg/ngày (bao gồm bất thường của hệ tim mạch và thận, như lạc chỗ tim và lạc chỗ thận, thoát vị cơ hoành và rốn) mà không gây nhiễm độc ở mẹ. Nồng độ thuốc trong cơ thể ở các liều này gần bằng hoặc thấp hơn 0,5 lần nồng độ lâm sàng ở bệnh nhân ghép thận dùng liều 2g/ngày và khoảng 0,3 lần nồng độ lâm sàng ở bệnh nhân ghép tim dùng liều 3g/ngày.
Tham khảo mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú.
Chỉ định/Công dụng
CellCept kết hợp với corticosteroids, và hoặc với ciclosporin hoặc với tacrolimus được chỉ định để:
• Dự phòng hiện tượng thải ghép cấp tính và để điều trị tình trạng thải ghép lần đầu hoặc đáp ứng kém với điều trị ở những bệnh nhân ghép thận đồng loài.
• Dự phòng hiện tượng thải ghép cấp tính ở những bệnh nhân ghép tim đồng loài. Ở những bệnh nhân được điều trị, MMF giúp cải thiện khả năng sống trong năm đầu tiên sau khi được ghép tim.
• Dự phòng hiện tượng thải ghép cấp tính ở những bệnh nhân ghép gan đồng loài.
CellCept được chỉ định trong điều trị dẫn nhập và điều trị duy trì cho bệnh nhân viêm thận lupus, loại III-V (được chẩn đoán theo phân loại của Hiệp hội Thận học Quốc tế/Hiệp hội Bệnh học về Thận)
Liều dùng/Hướng dẫn sử dụng
Vui lòng tham khảo thông tin kê toa đầy đủ cho corticosteroid, và ciclosporin hoặc tacrolimus, khi được sử dụng phối hợp với CellCept.
Bệnh nhân ghép tạng
Liều chuẩn để dự phòng thải ghép thận
Bệnh nhân trưởng thành: Liều khuyên dùng là 1 g dùng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch (thời gian truyền TỐI THIỂU LÀ HAI GIỜ), hai lần mỗi ngày (dùng 2 g mỗi ngày) cho những bệnh nhân ghép thận. Mặc dầu trong các thử nghiệm lâm sàng, mức liều 1,5 g hai lần mỗi ngày (3 g mỗi ngày) đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả, nhưng sự vượt trội về hiệu quả chưa được xác định cho những bệnh nhân ghép thận. Nhìn chung, những bệnh nhân dùng CellCept liều 2 g/ngày cho thấy độ an toàn cao hơn những bệnh nhân dùng CellCept liều 3 g/ngày.
Trẻ em (từ 3 tháng-18 tuổi): Liều khuyến cáo bột pha hỗn dịch uống Cellcept là 600 mg/m2 hai lần mỗi ngày (liều tối đa là 2 g mỗi ngày). Bệnh nhân với diện tích cơ thể từ 1,25-1,5 m2 có thể dùng Cellcept dạng viên nang ở liều 750 mg hai lần mỗi ngày (1,5 g mỗi ngày). Bệnh nhân có diện tích cơ thể > 1,5 m2 có thể dùng Cellcept dạng viên nén 1 g hai lần mỗi ngày (2 g mỗi ngày).
Liều chuẩn để dự phòng thải ghép tim
Bệnh nhân trưởng thành: Liều khuyên dùng cho những bệnh nhân ghép tim là 1,5 g dùng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch (thời gian truyền TỐI THIỂU LÀ HAI GIỜ), hai lần mỗi ngày (3 g một ngày).
Bệnh nhi: Không có thông tin sử dụng thuốc trên bệnh nhi ghép tim.
Liều chuẩn để dự phòng thải ghép gan
Bệnh nhân trưởng thành: Liều khuyên dùng cho những bệnh nhân ghép gan là 1 g dùng đường truyền tĩnh mạch (thời gian truyền TỐI THIỂU LÀ HAI GIỜ), hai lần mỗi ngày (2 g một ngày); hoặc 1,5 g dùng đường uống, hai lần mỗi ngày (3 g một ngày).
Bệnh nhi: Không có thông tin sử dụng thuốc trên bệnh nhi ghép gan.
Liều chuẩn để điều trị hiện tượng thải ghép thận lần đầu hoặc khó điều trị
Bệnh nhân trưởng thành: Liều khuyên dùng là 1,5 g dùng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch (thời gian truyền TỐI THIỂU LÀ HAI GIỜ), hai lần mỗi ngày (3 g một ngày).
Bệnh nhi: Không có dữ liệu điều trị hiện tượng thải ghép thận lần đầu hoặc khó điều trị trên bệnh nhi ghép thận.
Dùng đường uống (xem mục Các đặc tính dược động học, hấp thu): Liều khởi đầu của CellCept phải được dùng càng sớm càng tốt ngay sau khi ghép thận, ghép tim hoặc ghép gan.
Bệnh nhân viêm thận lupus
Liều chuẩn trong điều trị dẫn nhập
Bệnh nhân trưởng thành: Liều khuyên dùng là 750 mg – 1,5 g, uống hai lần một ngày (liều hàng ngày có thể lên tới 3 g).
Bệnh nhi: Liều khuyên dùng là 600 mg/m2, uống hai lần một ngày (tối đa 2 g mỗi ngày).
Liều chuẩn trong điều trị duy trì
Bệnh nhân trưởng thành: Liều khuyên dùng là 500 mg – 1 g, uống hai lần mỗi ngày.
Bệnh nhi: Liều khuyên dùng là 300 mg/m2, uống hai lần mỗi ngày.
CellCept nên được sử dụng cùng với corticosteroids. Liều nên được đưa vào từ từ và điều chỉnh dựa trên đáp ứng lâm sàng. Theo dõi thuốc điều trị có thể giúp ngăn ngừa nồng độ thuốc dưới ngưỡng điều trị (Cmin ≥ 3,0 mg/L hoặc AUC giữa các khoảng liều ≥ 35h*mg/L).
Các hướng dẫn sử dụng liều đặc biệt
Sử dụng ở bệnh nhi
Xem ở trên và mục Dược động học ở những đối tượng đặc biệt.
Sử dụng ở người già
Không khuyến cáo điều chỉnh liều dùng đường uống ở bệnh nhân ghép tạng (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Không có khuyến cáo nào đối với bệnh nhân viêm thận lupus.
Bệnh nhân suy thận
Đối với bệnh nhân ghép thận với suy thận mạn tính nặng (tốc độ lọc cầu thận < 25 mL/phút/1,73m2) ngoài khoảng thời gian ngay sau ghép hoặc sau khi điều trị sự thải ghép cấp tính hoặc khó điều trị, nên tránh dùng liều cao hơn 1 g x 2 lần mỗi ngày (xem mục Các đặc tính dược động học).
Đối với bệnh nhân sau ghép tạng có chức năng thận ghép phục hồi chậm, không có khuyến cáo điều chỉnh liều nhưng bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận (xem mục Các đặc tính dược động học).
Không có dữ liệu trên bệnh nhân ghép tim hoặc ghép gan có suy thận nặng.
Theo dõi thuốc điều trị được khuyến cáo đối với những bệnh nhân viêm thận lupus có tốc độ lọc cầu thận < 30 mL/phút.
Bệnh nhân suy gan
Không có khuyến cáo điều chỉnh liều ở những bệnh nhân ghép thận bị bệnh nhu mô gan nặng (xem Đặc tính dược động học).
Không có dữ liệu trên những bệnh nhân ghép tim và những bệnh nhân viêm thận lupus bị bệnh nhu mô gan nặng.
Bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính
Đối với bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính (lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối <1,3 × 103/μL), phải ngừng dùng CellCept hoặc phải giảm liều (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Chống chỉ định
Các phản ứng dị ứng với CellCept đã được ghi nhận. Vì vậy, CellCept được chống chỉ định ở những bệnh nhân đã biết bị quá mẫn với mycophenolate mofetil hoặc axit mycophenolic (MPA).
Chống chỉ định dùng CellCept cho phụ nữ mang thai do có khả năng gây đột biến và quái thai (xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Chống chỉ định dùng CellCept cho phụ nữ có khả năng mang thai mà không sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả cao (xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Chống chỉ định dùng CellCept cho phụ nữ đang cho con bú (xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Cảnh báo và thận trọng
Lưu ý và Thận trọng chung
Khối u
Cũng như đối với tất cả những bệnh nhân sử dụng phác đồ kết hợp các thuốc ức chế miễn dịch, những bệnh nhân có sử dụng CellCept trong phác đồ ức chế miễn dịch đều có tăng nguy cơ bị u lympho hoặc các bệnh ác tính khác, đặc biệt là ở da (xem mục Tác dụng không mong muốn). Nguy cơ này dường như có liên quan tới cường độ và thời gian điều trị ức chế miễn dịch hơn là do việc sử dụng một loại thuốc nào đó.
Như tất cả các bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư da, nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tia cực tím bằng cách mặc quần áo bảo vệ và đeo kính chống nắng có yếu tố bảo vệ cao.
Nhiễm khuẩn
Sự ức chế hệ thống miễn dịch quá mức cũng có thể làm tăng tính dễ bị nhiễm trùng bao gồm nhiễm trùng cơ hội, các nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng và nhiễm trùng huyết (xem mục Tác dụng không mong muốn).
Các nhiễm trùng bao gồm cả sự tái kích hoạt virus tiềm tàng, chẳng hạn tái phát viêm gan B hoặc viêm gan C hoặc các nhiễm trùng gây ra bởi các polyomavirus. Một số trường hợp viêm gan do tái phát viêm gan B hoặc viêm gan C đã được ghi nhận ở những bệnh nhân có mầm bệnh được điều trị bởi các thuốc ức chế miễn dịch. Trường hợp bệnh lý chất trắng não đa ổ tiến triển (Progressive Multifocal Leukoencephalopathy – PML) liên quan tới JC virus, vài trường hợp tử vong đã được ghi nhận trên bệnh nhân điều trị bằng Cellcept. Các ca được ghi nhận thường có nguy cơ cao cho PML, bao gồm cả điều trị ức chế miễn dịch và chức năng miễn dịch bị suy giảm. Đối với các bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch, các bác sỹ cần chú ý tới trường hợp PML khi chẩn đoán phân biệt ở những bệnh nhân có triệu chứng về thần kinh và cần tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa thần kinh.
Bệnh thận liên quan tới virus BK đã được ghi nhận trong quá trình dùng CellCept ở bệnh nhân sau ghép thận. Sự nhiễm trùng này có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, đôi khi dẫn tới hỏng thận ghép. Theo dõi bệnh nhân giúp phát hiện những bệnh nhân có nguy cơ bệnh thận liên quan tới virus BK. Cần xem xét giảm bớt sự ức chế miễn dịch ở bệnh nhân có bằng chứng bệnh thận liên quan tới virus BK.
Hệ máu và miễn dịch
Một số trường hợp bất sản dòng hồng cầu đơn thuần (PRCA) đã được ghi nhận trên bệnh nhân điều trị bằng CellCept có kết hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác. Cơ chế gây ra PRCA của mycophenolate mofetil hiện chưa rõ; mối liên hệ của các thuốc ức chế miễn dịch khác và sự kết hợp của chúng trong một phác đồ ức chế miễn dịch hiện cũng chưa rõ. Trong một số trường hợp, PRCA đã được ghi nhận là phục hồi được nếu giảm liều hoặc ngừng điều trị bằng CellCept. Tuy nhiên, ở bệnh nhân ghép tạng, nếu giảm liệu pháp ức chế miễn dịch sẽ xuất hiện nguy cơ tại mô ghép.
Bệnh nhân sử dụng CellCept cần được hướng dẫn để báo cáo ngay lập tức các dấu hiệu nhiễm trùng, các vết thâm tím, chảy máu hay ức chế tủy xương.
Những bệnh nhân sử dụng CellCept cần được kiểm tra công thức máu toàn phần, mỗi tuần một lần trong tháng đầu tiên, mỗi tháng 2 lần trong tháng thứ 2 và 3, sau đó kiểm tra hàng tháng cho tới hết năm đầu tiên. Đặc biệt, những bệnh nhân dùng CellCept cần được theo dõi để phát hiện sự giảm bạch cầu đa nhân trung tính. Tình trạng giảm bạch cầu đa nhân trung tính có thể liên quan đến việc sử dụng CellCept, các thuốc phối hợp, nhiễm vi rút hoặc do kết hợp của các nguyên nhân này (xem mục Các hướng dẫn sử dụng liều đặc biệt). Nếu có tình trạng giảm bạch cầu đa nhân trung tính (số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tuyệt đối < 1,3x103/µL), nên ngừng sử dụng CellCept hoặc giảm liều và bệnh nhân cần được theo dõi một cách cẩn thận (xem mục Các hướng dẫn sử dụng liều đặc biệt).
Hiến máu
Bệnh nhân không nên hiến máu trong quá trình điều trị và ít nhất 6 tuần sau khi ngưng dùng Cellcept.
Tiêm chủng
Nên cho bệnh nhân biết rằng trong quá trình điều trị bằng CellCept, hiệu quả của sự tiêm chủng có thể bị giảm và nên tránh sử dụng các loại vaccine sống đã làm giảm độc lực (xem mục Tương tác). Có thể tiêm chủng influenza. Các bác sĩ nên tham khảo các hướng dẫn quốc gia về tiêm chủng influenza.
Dạ dày-ruột
Do CellCept làm tăng tỉ lệ các biến cố bất lợi xảy ra ở hệ tiêu hóa, bao gồm các trường hợp ít gặp như loét đường tiêu hóa, xuất huyết và thủng, nên thận trọng khi dùng CellCept cho các bệnh nhân có bệnh của hệ tiêu hóa.
CellCept là một thuốc ức chế inosine monophosphate dehydrogenase (IMPDH), vì vậy không nên sử dụng cho bệnh nhân bị thiếu enzym hypoxanthin-guaninephosphoribosyl-transferase (HGPRT) có tính chất di truyền và hiếm gặp như hội chứng Lesch-Nyhan và Kelley- Seegmiller.
Tương tác
Cần thận trọng khi thay đổi phác đồ điều trị từ liệu pháp có chứa các thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ức chế tuần hoàn gan ruột của MPA như ciclosporin sang các thuốc khác không có tác dụng này như tacrolimus, sirolimus, belatacept, hay ngược lại, do sự thay đổi phác đồ điều trị có thể làm thay đổi nồng độ MPA (xem mục Tương tác). Việc theo dõi thuốc điều trị MPA có thể phù hợp khi chuyển đổi thuốc kết hợp (ví dụ chuyển từ ciclosporin sang tacrolimus hoặc ngược lại) hoặc để đảm bảo sự ức chế miễn dịch đầy đủ ở những bệnh nhân có nguy cơ miễn dịch cao (ví dụ như nguy cơ thải ghép, điều trị với kháng sinh, thêm vào hoặc bỏ bớt một loại thuốc tương tác).
Cần thận trọng với những nhóm thuốc khác có thể gây ức chế chu trình gan ruột của MPA (ví dụ như cholestyramin, sevelamer, các thuốc kháng sinh) do khả năng làm giảm nồng độ trong huyết tương và hiệu quả của Cellcept (xem mục Tương tác). Sevelamer và những thuốc gắn kết với phosphate không chứa canxi khác nên dùng sau khi dùng CellCept 2 giờ nhằm giảm thiểu tác động của thuốc này lên sự hấp thu MPA.
Khuyến cáo không nên sử dụng CellCept cùng với azathioprine bởi vì cả hai thuốc này có thể làm ức chế tủy xương và sự kết hợp này chưa được nghiên cứu.
Các trường hợp đặc biệt
Người già
Nguy cơ xảy ra các biến cố bất lợi có thể tăng trên bệnh nhân lớn tuổi như nhiễm khuẩn (bao gồm bệnh virus cự bào xâm lấn mô) và xuất huyết tiêu hóa và phù phổi khi so sánh với các bệnh nhân trẻ tuổi hơn (xem mục Tác dụng không mong muốn).
Phụ nữ có thai và cho con bú
Chống chỉ định dùng Cellcept cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú (xem Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Tác dụng gây quái thai
Mycophenolate là một tác nhân gây quái thai mạnh. Sảy thai tự nhiên (tỷ lệ 45% đến 49%) và dị tật bẩm sinh (tỷ lệ ước tính từ 23% đến 27%) đã được báo cáo sau khi tiếp xúc với MMF trong thai kỳ. Do đó, CellCept chống chỉ định trong thai kỳ trừ khi không có phương pháp điều trị thay thế phù hợp để ngăn ngừa thải ghép. Bệnh nhân nữ có khả năng mang thai nên được biết về các rủi ro và tuân theo các khuyến cáo được cung cấp trong phần Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú (ví dụ: các biện pháp tránh thai, thử thai) trước, trong và sau khi điều trị bằng CellCept. Các bác sĩ cần đảm bảo rằng phụ nữ dùng mycophenolate hiểu được nguy cơ gây hại cho em bé, nhu cầu tránh thai hiệu quả và cần phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu có khả năng mang thai.
Tránh thai (xem phần Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú)
Bởi vì lượng lớn bằng chứng lâm sàng cho thấy nguy cơ phá thai và dị tật bẩm sinh cao khi mycophenolate mofetil được sử dụng trong thai kỳ, mọi nỗ lực để tránh mang thai trong quá trình điều trị nên được thực hiện. Do đó, phụ nữ có khả năng mang thai phải sử dụng ít nhất một hình thức tránh thai đáng tin cậy (xem phần Chống chỉ định) trước khi bắt đầu trị liệu bằng CellCept, trong khi điều trị và trong sáu tuần sau khi ngừng trị liệu; trừ khi kiêng quan hệ tình dục là phương pháp tránh thai được lựa chọn. Hai hình thức tránh thai bổ sung lẫn nhau nên được sử dụng đồng thời để giảm thiểu khả năng thất bại trong việc ngừa thai và mang thai ngoài ý muốn. Lời khuyên về tránh thai cho nam giới, xem phần Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú.
Hiến tinh dịch
Nam giới không nên hiến tinh dịch trong quá trình điều trị và trong 90 ngày sau khi ngưng dùng CellCept.
Bệnh nhân mắc chứng phenylketonuria
Cellcept hỗn dịch đường uống có chứa aspartame, nguồn gốc của phenylamine (tương đương 2,78 mg/5 mL hỗn dịch uống). Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng Cellcept hỗn dịch uống cho bệnh nhân mắc chứng phenylketonuria.
Lạm dụng và phụ thuộc thuốc
Không có dữ liệu cho thấy CellCept có khả năng gây lạm dụng hay phụ thuộc thuốc.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
CellCept có thể ảnh hưởng vừa phải đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Nên khuyến cáo bệnh nhân sử dụng thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc nếu họ gặp phản ứng bất lợi của thuốc như buồn ngủ, lú lẫn, chóng mặt, run hoặc hạ huyết áp trong khi điều trị với CellCept (xem mục Tác dụng không mong muốn).
Sử dụng ở bệnh nhi
Xem mục Liều lượng và cách dùng, Tác dụng không mong muốn Dược động học trên những đối tượng đặc biệt.
Sử dụng ở người già
Xem mục Liều lượng và cách dùng, Cảnh báo và Thận trọng, Tác dụng không mong muốn Dược động học trên những đối tượng đặc biệt.
Bệnh nhân suy thận
Xem mục Liều lượng và cách dùngNhững đặc tính dược động học.
Bệnh nhân suy gan
Xem mục Liều lượng và cách dùngDược động học trên những đối tượng đặc biệt.
Sử dụng ở phụ nữ có thai & cho con bú
Phụ nữ có khả năng mang thai
Phải tránh có thai khi đang sử dụng mycophenolate. Do đó, phụ nữ có khả năng mang thai phải sử dụng ít nhất một hình thức tránh thai đáng tin cậy (xem phần Chống chỉ định) trước khi bắt đầu trị liệu bằng CellCept, trong khi điều trị và trong sáu tuần sau khi ngừng trị liệu, trừ khi kiêng quan hệ tình dục là phương pháp tránh thai được lựa chọn. Nên sử dụng đồng thời hai hình thức tránh thai bổ sung lẫn nhau.
Phụ nữ có thai
CellCept chống chỉ định trong thai kỳ trừ khi không có phương pháp điều trị thay thế phù hợp để ngăn ngừa thải ghép. Không nên bắt đầu điều trị mà không cung cấp kết quả thử thai âm tính để loại trừ việc sử dụng ngoài ý muốn trong thai kỳ.
Bệnh nhân nữ có khả năng sinh sản phải được biết về nguy cơ mất thai và dị tật bẩm sinh tăng lên khi bắt đầu điều trị và phải được tư vấn về việc phòng ngừa mang thai và kế hoạch mang thai.
Trước khi bắt đầu điều trị bằng CellCept, phụ nữ có khả năng mang thai nên có hai xét nghiệm thử thai bằng huyết thanh hoặc nước tiểu âm tính với độ nhạy ít nhất 25 mIU/mL để loại trừ sự phơi nhiễm ngoài ý muốn của phôi với mycophenolate. Xét nghiệm thứ hai nên được thực hiện 8 - 10 ngày sau xét nghiệm đầu tiên. Đối với cấy ghép từ người hiến tặng vừa qua đời, nếu không thể thực hiện hai xét nghiệm cách nhau 8-10 ngày trước khi bắt đầu điều trị (vì thời gian ghép tạng sẵn có), phải thực hiện xét nghiệm thử thai ngay trước khi bắt đầu điều trị và thử nghiệm tiếp theo được thực hiện 8 -10 ngày sau. Các xét nghiệm thử thai nên được lặp lại theo yêu cầu lâm sàng (ví dụ: sau khi có bất kỳ sự thiếu sót nào trong biện pháp tránh thai được báo cáo). Kết quả của tất cả các xét nghiệm mang thai nên được thảo luận với bệnh nhân. Bệnh nhân cần được hướng dẫn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu như việc có thai xảy ra.
Mycophenolate là một tác nhân gây quái thai mạnh, tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên và dị tật bẩm sinh trong trường hợp phơi nhiễm trong thai kỳ:
• Sảy thai tự nhiên đã được báo cáo ở 45 đến 49% phụ nữ mang thai phơi nhiễm với mycophenolate mofetil, so với tỷ lệ được báo cáo là từ 12 đến 33% ở những bệnh nhân ghép tạng đặc được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch khác với mycophenolate mofetil.
• Dựa trên các báo cáo trong y văn, dị tật xảy ra ở 23 đến 27% trẻ sơ sinh còn sống ở phụ nữ phơi nhiễm với mycophenolate mofetil khi mang thai (so với 2 đến 3% trẻ sơ sinh còn sống trong toàn bộ dân số và khoảng 4 đến 5% trẻ sơ sinh còn sống ở những bệnh nhân ghép tạng đặc được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch không phải mycophenolate mofetil).
Các dị tật bẩm sinh, bao gồm các báo cáo về đa dị tật, đã được quan sát thấy sau lưu hành thuốc ở con của bệnh nhân phơi nhiễm với CellCept kết hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác trong khi mang thai. Các dị tật sau đây được báo cáo thường xuyên nhất:
• Bất thường về tai (ví dụ, tai ngoài hình dạng bất thường, thiếu tai ngoài), chít hẹp ống tai ngoài (tai giữa);
• Các dị tật trên khuôn mặt như sứt môi, hở hàm ếch, tật hàm nhỏ và hai ổ mắt cách xa nhau;
• Bất thường của mắt (ví dụ: coloboma (tật khuyết mống mắt));
• Bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ và thông liên thất;
• Các dị tật của ngón tay (ví dụ: dị tật thừa ngón, dị tật dính ngón);
• Các dị tật khí quản - thực quản (ví dụ: hẹp thực quản);
• Dị tật hệ thần kinh (như tật nứt đốt sống);
• Các bất thường về thận.
Ngoài ra, đã có các báo cáo riêng biệt về các dị tật sau:
• Microphthalmia (Tật mắt nhỏ);
• Nang đám rối màng mạch bẩm sinh;
• Thiếu/không phát triển vách trong suốt;
• Thiếu/không phát triển thần kinh khứu giác.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính trên sinh sản (xem mục Các dữ liệu an toàn phi lâm sàng).
Phụ nữ cho con bú
Mycophenolate mofetil đã được chứng minh là được bài tiết qua sữa của chuột cho con bú. Hiện chưa rõ liệu chất này có bài tiết qua sữa mẹ. Do khả năng có phản ứng không mong muốn nghiêm trọng với mycophenolate mofetil ở trẻ bú mẹ, chống chỉ định CellCept ở các bà mẹ cho con bú (xem phần Chống chỉ định).
Nam giới
Các bằng chứng lâm sàng hạn chế không cho thấy tăng nguy cơ dị tật hoặc sẩy thai sau phơi nhiễm của người cha với mycophenolate mofetil.
MPA là một tác nhân gây quái thai mạnh. Hiện chưa biết liệu MPA có trong tinh dịch hay không. Các tính toán dựa trên dữ liệu động vật cho thấy lượng MPA tối đa có khả năng được chuyển sang phụ nữ thấp đến mức khó có thể có tác dụng. Mycophenolate đã được chứng minh là gây độc gen trong các nghiên cứu trên động vật ở nồng độ lớn hơn nồng độ trị liệu ở người một chút thôi, do đó không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ gây độc gen trên tế bào tinh trùng.
Do đó, các biện pháp phòng ngừa sau đây được khuyến cáo: bệnh nhân nam có hoạt động tình dục hoặc bạn tình nữ của họ được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai đáng tin cậy trong quá trình điều trị của bệnh nhân nam và ít nhất 90 ngày sau khi ngừng mycophenolate mofetil. Bệnh nhân nam có khả năng sinh sản nên được biết và thảo luận với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ về những rủi ro tiềm ẩn khi làm cha.
Chuyển dạ và sinh nở
Việc sử dụng CellCept an toàn trong khi chuyển dạ và sinh nở chưa đươc thiết lập.
Tương tác
Chất ức chế men ADN Polymerase (acyclovir, ganciclovir)
Acyclovir: nồng độ huyết tương của acyclovir và MPAG (phenolic glucuronide của MPA) khi dùng mycophenolate mofetil cùng với acyclovir cao hơn khi dùng riêng rẽ từng thuốc một. Bởi vì nồng độ MPAG trong huyết tương cũng như nồng độ acyclovir tăng khi có suy thận, có khả năng mycophenolate và acyclovir hoặc dạng tiền chất của nó, valacyclovir, cạnh tranh thải trừ ở ống thận và gây tăng hơn nữa nồng độ cả hai thuốc.
Ganciclovir: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu liều đơn của liều khuyến cáo mycophenolate mofetil đường uống và ganciclovir tiêm tĩnh mạch; và ảnh hưởng đã biết của suy thận đối với dược động học của mycophenolate mofetil (xem mục Các đặc tính dược động họcCảnh báo và thận trọng) và ganciclovir, khi dùng đồng thời các thuốc này (có sự cạnh tranh về cơ chế bài tiết ở ống thận) sẽ làm tăng nồng độ MPAG và ganciclovir. Không có sự thay đổi đáng kể về dược động học của MPAG và không cần điều chỉnh liều mycophenolate mofetil. Ở những bệnh nhân suy thận dùng đồng thời mycophenolate mofetil và ganciclovir hoặc các tiền chất của nó, valganciclovir, cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận.
Các thuốc kháng acid và các thuốc ức chế bơm proton (PPIs)
Khi uống kèm chất kháng acid như hydroxit magne và hydroxit nhôm, và PPIs, bao gồm lansoprazole và pantoprazole, nồng độ của mycophenolate mofetil bị giảm. Khi so sánh tỷ lệ thải ghép hoặc tỷ lệ mất tạng ghép giữa bệnh nhân CellCept dùng PPIs với bệnh nhân CellCept không dùng PPIs, không quan sát thấy sự khác biệt đáng kể. Những dữ liệu này giúp ngoại suy kết luận này cho tất cả các thuốc kháng axit do sự giảm nồng độ khi dùng đồng thời CellCept với hydroxit magne và hydroxit nhôm thấp hơn đáng kể so với khi dùng Cellcept đồng thời với PPIs.
Chất gắn kết axít mật
Cholestyramine: ở những người khỏe mạnh bình thường đã được dùng 4g cholestyramine ba lần một ngày trong 4 ngày sau đó dùng liều đơn 1,5 g mycophenolate mofetil, diện tích dưới đường cong của MPA giảm 40%. Nên thận trọng khi dùng cùng với các thuốc làm ảnh hưởng vòng tái tuần hoàn gan-ruột (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Sevelamer: Dùng phối hợp sevelamer với CellCept ở người trưởng thành và ở bệnh nhi sẽ làm giảm nồng độ đỉnh Cmax của MPA khoảng 30% và làm giảm giá trị AUC0-12 của MPA khoảng 25% (xem mục Cảnh báo và thận trong, Tương tác).
Các thuốc ức chế miễn dịch
Ciclosporin A: Dược động học của ciclosporin A (CsA) không bị ảnh hưởng bởi mycophenolate mofetil. Tuy nhiên, CsA gây ảnh hưởng vòng tuần hoàn gan ruột của MPA, làm giảm nồng độ MPA từ 30 – 50% ở bệnh nhân ghép thận điều trị bằng Cellcept và CsA khi so sánh với bệnh nhân dùng sirolimus hay belatacept và CellCept với liều tương tự. Ngược lại, những thay đổi về nồng độ của MPA cần được dự kiến khi chuyển bệnh nhân từ CsA sang thuốc ức chế miễn dịch khác không gây ảnh hưởng lên chu trình gan ruột của MPA (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Tacrolimus: Dùng tacrolimus đồng thời với CellCept không làm ảnh hưởng đến diện tích dưới đường cong AUC cũng như nồng độ đỉnh Cmax của MPA ở những bệnh nhân ghép gan. Trong một nghiên cứu gần đây, người ta thấy điều này cũng xảy ra ở những bệnh nhân ghép thận. Ở những bệnh nhân ghép thận, nồng độ tacrolimus dường như không bị thay đổi bởi CellCept. Tuy nhiên ở các bệnh nhân ghép gan, giá trị AUC của tacrolimus tăng khoảng 20% khi dùng nhiểu liều CellCept (1,5g x 2 lần/ngày) cho các bệnh nhân có dùng tacrolimus.
Thuốc kháng sinh
Rifampicin: Sau khi đã chỉnh đúng liều, người ta vẫn thấy nồng độ MPA (AUC0-12) giảm 70% khi dùng đồng thời với rifampicin ở một bệnh nhân ghép tim-phổi. Vì vậy, người ta khuyên nên theo dõi sát nồng độ MPA và cần phải điều chỉnh nồng độ CellCept cho phù hợp để duy trì hiệu quả lâm sàng khi sử dụng đồng thời hai thuốc này với nhau.
Các thuốc kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn sản xuất β-glucuronidase trong ruột (ví dụ như aminoglycoside, cephalosporin, fluoroquinolon, và kháng sinh nhóm penicillin) có thể gây ảnh hưởng lên vòng tái tuần hoàn gan ruột MPAG/MPA vì vậy dẫn đến giảm nồng độ MPA (xem mục Cảnh báo và thận trọng, Tương tác).
Thông tin liên quan đến các kháng sinh như sau:
Ciprofloxacin hay amoxicillin phối hợp với clavulanic acid: Giảm 54% nồng độ MPA (đáy) trước liều đã được ghi nhận ở bệnh nhân ghép thận vào những ngày ngay sau khi bắt đầu uống ciprofloxacin hay amoxicillin phối hợp với clavulanic acid. Ảnh hưởng này có xu hướng giảm dần khi tiếp tục sử dụng kháng sinh và hết hẳn khi ngừng sử dụng kháng sinh. Sự thay đổi nồng độ trước liều này có thể không đại diện một cách chính xác cho nồng độ MPA nói chung, do đó sự liên quan về mặt lâm sàng của sự thay đổi này hiện vẫn chưa rõ.
Norfloxacin và metronidazole: Norfloxacin kết hợp với metronidazole làm giảm AUC0-48 của MPA 30% sau khi uống liều đơn CellCept. Không có tác dụng này đối với nồng độ MPA khi dùng riêng biệt 1 trong hai kháng sinh trên.
Trimethoprim/sulphamethoxazole: Nồng độ MPA (AUC, Cmax) không bị ảnh hưởng khi kết hợp với trimethoprim/sulfamethoxazole.
Thuốc tránh thai đường uống
Một nghiên cứu về việc dùng cùng CellCept (1 g x 2 lần mỗi ngày) với các thuốc tránh thai đường uống có chứa ethinylestradiol (0,02-0,04mg) và levonorgestrel (0,05-0,20mg), desogestrel (0,15mg) hoặc gestodene (0,05 - 0,10mg) được tiến hành ở 18 phụ nữ bị bệnh vẩy nến trong 3 chu kỳ kinh đã cho thấy CellCept không ảnh hưởng trên nồng độ huyết thanh của progesterone, LH và FSH có ý nghĩa lâm sàng, vì thế CellCept không ảnh hưởng đến tác dụng ức chế rụng trứng của các thuốc tránh thai đường uống. Dược động học của thuốc tránh thai đường uống không bị ảnh hưởng ở mức độ lâm sàng khi sử dụng đồng thời với CellCept (Xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Các tương tác khác
Việc sử dụng đồng thời thuốc ức chế glucoronid hóa MPA có thể làm tăng sự phơi nhiễm với MPA (ví dụ như, tăng MPA AUC0-∞ tới 35% đã được quan sát khi sử dụng đồng thời với isavuconazol). Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng đồng thời các thuốc này với CellCept.
Sử dụng đồng thời telmisartan và CellCept làm giảm khoảng 30% nồng độ acid mycophenolic (MPA). Telmisartan làm thay đổi sự đào thải của MPA bằng cách gia tăng sự bộc lộ PPAR gamma (peroxisome proliferator activated receptor gamma), dẫn đến gia tăng sự bộc lộ và hoạt động của UGT1A9, gia tăng sự glucoronid hóa. Khi so sánh tỷ lệ thải ghép, tỷ lệ hỏng tạng ghép hay các biến cố bất lợi giữa bệnh nhân sử dụng CellCept có dùng và không dùng đồng thời với telmisartan, không thấy hậu quả lâm sàng nào của tương tác thuốc-thuốc về mặt dược động học.
Dùng phối hợp probenecid với mycophenolate mofetil ở khỉ làm tăng diện tích dưới đường cong của MPAG 3 lần. Như vậy, các thuốc khác được bài tiết qua ống thận có thể cạnh tranh với MPAG và do đó tăng nồng độ huyết tương của MPAG hoặc các thuốc khác thải qua ống thận.
Vaccine sống: Không nên dùng vaccine sống cho bệnh nhân có suy giảm đáp ứng miễn dịch. Đáp ứng kháng thể với những vaccine khác có thể bị giảm (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Tương kỵ
CellCept dùng đường tĩnh mạch không tương thích với những dung dịch truyền tĩnh mạch khác, ngoại trừ dung dịch truyền tĩnh mạch dextrose. Không được trộn lẫn hoặc truyền đồng thời CellCept với các thuốc dùng đường tĩnh mạch khác qua cùng một đường truyền.
Tác dụng không mong muốn
Tóm tắt thông tin an toàn
Ước tính tổng cộng 1557 bệnh nhân đã sử dụng CellCept trong năm thử nghiệm lâm sàng trong việc ngăn ngừa thải ghép nội tạng cấp tính. Trong số này, 991 bệnh nhân được bao gồm trong ba nghiên cứu về thận, 277 bệnh nhân được bao gồm trong một nghiên cứu về gan và 289 được bao gồm trong một nghiên cứu về tim. Azathioprine là thuốc so sánh được sử dụng trong các nghiên cứu về gan và tim và trong hai nghiên cứu về thận trong khi nghiên cứu về thận khác được đối chứng với giả dược. Bệnh nhân trong tất cả các nhánh nghiên cứu cũng được sử dụng cyclosporine và corticosteroid. Các loại phản ứng bất lợi được báo cáo sau khi lưu hành CellCept tương tự như trong các nghiên cứu ghép thận, tim và gan có đối chứng.
Tiêu chảy, giảm bạch cầu, nhiễm trùng huyết và nôn nằm trong những phản ứng có hại phổ biến nhất và/hoặc nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng CellCept kết hợp với ciclosporin và corticosteroid. Cũng có bằng chứng về tần suất cao hơn của một số loại nhiễm trùng (xem phần Cảnh báo và thận trọng).
Bảng tóm tắt các biến cố bất lợi
Các phản ứng bất lợi của thuốc từ các thử nghiệm lâm sàng và kinh nghiệm sau khi lưu hành được liệt kê trong bảng 7a & 7b, sử dụng hệ thống phân loại theo cơ quan MedDRA và tỷ lệ mắc tương ứng. Tần suất tương ứng cho mỗi phản ứng bất lợi của thuốc được quy ước như sau: rất thường gặp (≥1/10); thường gặp (≥1/100 tới <1/10); không thường gặp (≥1/1.000 tới <1/100); hiếm gặp (≥1/10.000 tới <1/1.000); rất hiếm gặp (<1/10.000). Do sự khác biệt lớn được quan sát thấy trong tần suất của một số phản ứng bất lợi nhất định trên các chỉ định ghép khác nhau, tần suất được trình bày riêng cho các bệnh nhân ghép thận, tim và gan.
- xem Bảng 7a & 7b.

Image from Drug Label Content


Image from Drug Label Content

Mô tả các phản ứng bất lợi được chọn lọc
Bệnh ác tính
Bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch liên quan đến sự kết hợp của các thuốc, bao gồm CellCept, có nguy cơ phát triển u lympho và các khối u ác tính khác, đặc biệt là bệnh về da (xem phần Cảnh báo và thận trọng). Dữ liệu an toàn ba năm ở bệnh nhân ghép thận và tim không cho thấy bất kỳ thay đổi bất ngờ nào về tỷ lệ mắc bệnh ác tính so với dữ liệu 1 năm. Bệnh nhân ghép gan được theo dõi ít nhất 1 năm, nhưng dưới 3 năm.
Nhiễm trùng
Tất cả các bệnh nhân được điều trị với thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, virus, và nấm cao hơn (một số trong số đó có thể dẫn tới kết cục tử vong), bao gồm những trường hợp gây ra bởi các tác nhân cơ hội và tái hoạt hóa virus tiềm ẩn. Nguy cơ này tăng lên theo liều dùng của các thuốc ức chế miễn dịch (xem mục Cảnh báo và thận trọng). Các nhiễm trùng nghiêm trọng nhất là nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc, viêm màng não, viêm nội tâm mạc, bệnh lao và nhiễm trùng mycobacterial không điển hình. Các nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất ở bệnh nhân dùng CellCept (2 g hoặc 3 g hàng ngày) cùng với các thuốc ức chế miễn dịch khác trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ở bệnh nhân ghép thận, ghép tim, ghép gan được theo dõi ít nhất một năm là nhiễm nấm candida niêm mạc da, hội chứng CMV/nhiễm virus CMV huyết và Herpes simplex. Tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng CMV/nhiễm virus CMV huyết là 13,5%. Trường hợp bệnh thận liên quan tới virus BK, cũng như các trường hợp bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (PML) liên quan đến virus JC, đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, bao gồm cả CellCept.
Rối loạn máu và hệ bạch huyết
Giảm tế bào máu trưởng thành, bao gồm giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu và giảm tế bào máu, là những nguy cơ được biết đến liên quan đến mycophenolate mofetil và có thể dẫn đến hoặc góp phần vào sự xuất hiện của nhiễm trùng và xuất huyết (xem phần Cảnh báo và thận trọng). Mất bạch cầu hạt và giảm bạch cầu trung tính đã được báo cáo; do đó, nên theo dõi thường xuyên bệnh nhân dùng CellCept (xem phần Cảnh báo và thận trọng). Đã có báo cáo về thiếu máu bất sản và suy tủy xương ở những bệnh nhân được điều trị bằng CellCept, một số trường hợp tử vong đã xảy ra.
Các trường hợp bất sản tế bào hồng cầu đơn thuần (PRCA) đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng CellCept (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Các trường hợp riêng biệt hình thái bạch cầu trung tính bất thường, bao gồm dị thường Pelger-Huet, đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng CellCept. Những thay đổi này không liên quan đến chức năng bạch cầu trung tính bị suy yếu. Những thay đổi này có thể gợi ý một “left shift” (sự gia tăng số lượng bạch cầu chưa trưởng thành trong máu ngoại vi) trong sự trưởng thành của bạch cầu trung tính trong các nghiên cứu về huyết học, có thể được hiểu nhầm là dấu hiệu nhiễm trùng ở những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch như những bệnh nhân sử dụng CellCept.
Rối loạn tiêu hóa
Các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng nhất là loét và xuất huyết là những nguy cơ đã biết có liên quan tới mycophenolate mofetil. Loét miệng, thực quản, dạ dày, tá tràng, và loét đường ruột thường phức tạp do xuất huyết cũng như thổ huyết, đại tiện máu đen, và các dạng xuất huyết của viêm dạ dày và viêm đại tràng thường được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng quan trọng. Các rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất là tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Kiểm tra nội soi các bệnh nhân bị tiêu chảy có liên quan tới CellCept đã cho thấy một số trường hợp cá biệt của teo nhung mao ruột (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
Quá mẫn
Phản ứng quá mẫn, bao gồm phù mạch (angioneurotic oedema) và phản ứng phản vệ, đã được báo cáo.
Mang thai, trước khi sinh và sau sinh
Các trường hợp sảy thai tự phát đã được báo cáo ở những bệnh nhân phơi nhiễm với mycophenolate mofetil, chủ yếu trong ba tháng đầu, xem phần Sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
Rối loạn bẩm sinh
Dị tật bẩm sinh đã được quan sát thấy sau khi thuốc lưu hành ở trẻ em của bệnh nhân phơi nhiễm với CellCept kết hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác, xem phần Sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất
Đã có báo cáo riêng biệt về bệnh phổi kẽ và xơ phổi ở bệnh nhân điều trị bằng CellCept kết hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác, một số trường hợp tử vong đã xảy ra. Cũng đã có báo cáo về giãn phế quản ở trẻ em và người lớn.
Rối loạn hệ thống miễn dịch
Giảm gamma globulin máu đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng CellCept kết hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác.
Rối loạn chung và rối loạn tại vị trí tiêm
Phù, bao gồm phù ngoại biên, mặt và bìu, đã được báo cáo rất phổ biến trong các thử nghiệm quan trọng. Đau cơ xương khớp như đau cơ, đau cổ và lưng cũng được báo cáo rất phổ biến.
Những đối tượng đặc biệt
Trẻ em
Loại và tần suất của các tác dụng không mong muốn trong một nghiên cứu lâm sàng, trên 92 bệnh nhân từ 2 đến 18 tuổi, dùng 600 mg/m2 mycophenolate mofetil hai lần mỗi ngày, nói chung tương tự như ở những bệnh nhân trưởng thành dùng 1 g CellCept hai lần mỗi ngày. Tuy nhiên, các tác dụng phụ liên quan đến điều trị sau đây thường gặp hơn ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ em dưới 6 tuổi, khi so sánh với người lớn: tiêu chảy, nhiễm trùng huyết, giảm bạch cầu, thiếu máu và nhiễm trùng.
Người già
Bệnh nhân cao tuổi (≥ 65 tuổi) thường có nguy cơ bị các phản ứng bất lợi do ức chế miễn dịch. Bệnh nhân cao tuổi dùng CellCept như là một phần liệu pháp ức chế miễn dịch phối hợp có thể có nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng cao hơn (bao gồm bệnh xâm lấn mô do cytomegalovirus) và có thể xuất huyết tiêu hóa và phù phổi, so với người trẻ tuổi.
Quá liều
Những báo cáo về tình trạng quá liều mycophenolate mofetil đã được ghi nhận từ những thử nghiệm lâm sàng và trong suốt thời gian thuốc được lưu hành trên thị trường. Trong rất nhiều trường hợp quá liều được báo cáo, không thấy có những biến cố bất lợi nào được ghi nhận. Những biến cố bất lợi được báo cáo trong những trường hợp quá liều đều đã được biết đến từ trước trong các dữ liệu về tính an toàn của thuốc.
Người ta cho rằng tình trạng quá liều của mycophenolate mofetil có thể làm ức chế quá mức hệ thống miễn dịch, làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng và làm ức chế tủy xương (xem mục Cảnh báo và thận trọng). Nếu giảm bạch cầu đa nhân trung tính xảy ra thì cần ngưng hoặc giảm liều Cellcept (xem mục Cảnh báo và thận trọng).
MPA không bị đào thải bởi lọc máu. Tuy nhiên, ở liều cao (nồng độ MPAG trong huyết tương cao hơn 100μg/mL), một lượng nhỏ MPAG bị đào thải. Các thuốc làm tăng thải acid mật như cholestyramine, có thể loại bỏ MPA bằng cách tăng đào thải thuốc (xem mục Các đặc tính dược động học).
Thận trọng lúc dùng
Các hướng dẫn đặc biệt về sử dụng, xử lý và hủy bỏ thuốc
CellCept dùng đường uống
Mycophenolate mofetil đã được chứng minh là có tác dụng gây quái thai (xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú), do đó viên nén và viên nang CellCept không được làm vỡ hoặc mở ra. Bệnh nhân nên tránh hít hoặc để da hoặc niêm mạc tiếp xúc với bột thuốc chứa trong viên nang CellCept. Nếu đã tiếp xúc với thuốc, rửa kỹ với nước và xà phòng; rửa mắt với nước sạch.
Bảo quản
Viên nang CellCept: Giữ thuốc ở nhiệt độ dưới 25oC, bảo quản trong chính hộp thuốc gốc.
Phân loại MIMS
Thuốc ức chế miễn dịch
Phân loại ATC
L04AA06 - mycophenolic acid ; Belongs to the class of selective immunosuppressive agents. Used to induce immunosuppression.
Trình bày
Viên nang: hộp 10 vỉ x 10 viên.
Viên nén: hộp 5 vỉ x 10 viên.
Register or sign in to continue
Asia's one-stop resource for medical news, clinical reference and education
Already a member? Sign in
Register or sign in to continue
Asia's one-stop resource for medical news, clinical reference and education
Already a member? Sign in