Cơ chế tác động
Rosuvastatin là một chất ức chế chọn lọc và cạnh tranh với HMG-CoA reductase, là enzym xúc tác quá trình chuyển đổi 3-hydroxy-3-methylglutaryl coenzym A thành mevalonat, một tiền chất của cholesterol. Vị trí tác động chính của rosuvastatin là gan, cơ quan đích làm giảm cholesterol.
Rosuvastatin làm tăng số lượng thụ thể LDL trên bề mặt tế bào ở gan, do vậy làm tăng hấp thu và dị hóa LDL và ức chế sự tổng hợp VLDL ở gan, vì vậy làm giảm các thành phần VLDL và LDL.
Tác động dược lực
CRESTOR làm giảm sự tăng nồng độ LDL-cholesterol, cholesterol toàn phần và triglycerid và làm tăng HDL-cholesterol. Thuốc cũng làm giảm ApoB, non HDL-C, VLDL-C, VLDL-TG và làm tăng ApoA-I (xem Bảng 1 và Bảng 2). CRESTOR cũng làm giảm các tỷ lệ LDL-C/HDL-C, C toàn phần/HDL-C, non HDL-C/HDL-C và ApoB/ApoA-I.
- xem Bảng 1 & Bảng 2.
Hiệu quả trị liệu đạt được trong vòng 1 tuần sau khi bắt đầu điều trị và 90% đáp ứng tối ưu đạt được trong 2 tuần. Đáp ứng tối ưu thường đạt được vào khoảng 4 tuần và được duy trì sau đó.
Hiệu quả lâm sàng
CRESTOR được chứng minh có hiệu quả ở nhóm bệnh nhân người lớn tăng cholesterol máu, có hay không có tăng triglycerid máu, bất kỳ chủng tộc, giới tính hay tuổi tác và ở những nhóm bệnh nhân đặc biệt như đái tháo đường hoặc bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình.
Từ các dữ liệu nghiên cứu pha III, CRESTOR chứng tỏ có hiệu quả trong điều trị ở hầu hết các bệnh nhân tăng cholesterol máu loại IIa và IIb (LDL-C trung bình trước khi điều trị khoảng 4,8mmol/L) theo các mục tiêu điều trị của Hội Xơ Vữa Mạch Máu Châu Âu (European Atherosclerosis Society - EAS; 1998); khoảng 80% bệnh nhân được điều trị bằng CRESTOR 10mg đã đạt được các mục tiêu điều trị của EAS về nồng độ LDL-C (<3mmol/L).
Trong một nghiên cứu lớn, 435 bệnh nhân tăng cholesterol máu di truyền gia đình kiểu dị hợp tử đã được cho dùng CRESTOR từ 20-80mg theo thiết kế điều chỉnh tăng liều. Người ta thấy là tất cả các liều CRESTOR đều có tác động có lợi trên các thông số lipid và đạt được các mục tiêu điều trị. Sau khi chỉnh đến liều hằng ngày 40mg (12 tuần điều trị), LDL-C giảm 53%. 33% bệnh nhân đạt được các mục tiêu của EAS về nồng độ LDL-C (<3mmol/L).
Trong một nghiên cứu mở, điều chỉnh liều tăng dần, 42 bệnh nhân tăng cholesterol máu di truyền kiểu đồng hợp tử được đánh giá về đáp ứng điều trị với liều CRESTOR 20-40mg. Tất cả bệnh nhân nghiên cứu đều có độ giảm trung bình LDL-C là 22%.
Trong các nghiên cứu lâm sàng với một số lượng bệnh nhân nhất định, CRESTOR chứng tỏ có hiệu quả phụ trợ trong việc làm giảm triglyceride khi được sử dụng phối hợp với fenofibrat và làm tăng nồng độ HDL-C khi sử dụng phối hợp với niacin (xem
Thận trọng).
Rosuvastatin chưa được chứng minh là có thể ngăn chặn các biến chứng có liên quan đến sự bất thường về lipid như bệnh mạch vành vì các nghiên cứu về giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ bệnh lý khi dùng CRESTOR đang được thực hiện.
Đánh giá tác dụng trên độ dày lớp nội trung mạc: nghiên cứu đánh giá rosuvastatin 40mg (METEOR), hiệu quả điều trị của CRESTOR trên xơ vữa động mạch cảnh được đánh giá bằng siêu âm 2 chiều (B-mode) ở những bệnh nhân bị tăng LDL-C, có nguy cơ bệnh động mạch vành thấp (thang điểm nguy cơ Framingham <10% trong 10 năm) và xơ vữa động mạch dưới lâm sàng có dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh (cIMT). Trong nghiên cứu lâm sàng mù đôi, đối chứng với giả dược, 984 bệnh nhân được điều trị ngẫu nhiên (trong đó có 876 người đã được phân tích), bằng CRESTOR 40mg hoặc giả dược 1 lần/ngày với tỉ lệ là 5:2. Siêu âm thành động mạch cảnh được sử dụng để xác định tỉ lệ thay đổi trung bình lớp nội trung mạc dày nhất hàng năm ở 12 điểm đo trên mỗi bệnh nhân so với ban đầu trong 2 năm. Sự khác biệt về tỉ lệ thay đổi lớp nội trung mạc dày nhất của tất cả 12 vị trí động mạch cảnh giữa bệnh nhân điều trị bằng CRESTOR và bệnh nhân dùng giả dược là -0,0145 mm/năm (95% CI -0,0196, -0,0093; p<0,0001).
Tỉ lệ thay đổi hàng năm so với trước khi điều trị của nhóm dùng giả dược là +0,0131 mm/năm (p<0,0001). Tỷ lệ thay đổi hàng năm so với trước khi điều trị ở nhóm CRESTOR là -0,0014 mm/năm (p=0,32).
Ở từng bệnh nhân trong nhóm dùng CRESTOR; 52,1% bệnh nhân chứng tỏ không có sự tiến triển bệnh (được định nghĩa là tỉ lệ thay đổi có giá trị âm hàng năm); so với 37,7% bệnh nhân ở nhóm dùng giả dược.
Rối loạn bêta lipoprotein máu nguyên phát (tăng lipoprotein máu týp III)
Trong nghiên cứu chéo, mù đôi, đa trung tâm, ngẫu nhiên, có 32 bệnh nhân (27 người có đột biến ε2/ε2 và 4 người có đột biến apo E [Arg145Cys] bị rối loạn bêta lipoprotein máu nguyên phát (tăng lipoprotein máu týp III) tham gia được khởi đầu bằng chế độ ăn kiêng trong 6 tuần theo Điều trị thay đổi lối sống (TLC) của NCEP. Sau giai đoạn 6 tuần ăn kiêng, bệnh nhân được ngẫu nhiên điều trị phối hợp với chế độ ăn kiêng trong 6 tuần bằng liệu pháp rosuvastatin 10 mg tiếp theo là rosuvastatin 20 mg, hoặc rosuvastatin 20 mg tiếp theo là rosuvastatin 10 mg. CRESTOR làm giảm cholesterol không phải HDL (thông số nghiên cứu chính) và nồng độ lipoprotein còn lại trong tuần hoàn. Kết quả được trình bày trong Bảng 3.
- xem Bảng 3.
Bệnh nhi tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử
Trong một nghiên cứu 12 tuần, đối chứng với giả dược, đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, 176 bệnh nhi và thiếu niên (97 nam và 79 nữ) bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử được điều trị ngẫu nhiên bằng rosuvastatin 5 mg, 10 mg, 20 mg hoặc giả dược hằng ngày. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 10 đến 17 tuổi (tuổi trung vị là 14 tuổi) với khoảng 30% bệnh nhân từ 10 đến 13 tuổi và khoảng 17%, 18%, 40%, 25% bệnh nhân dậy thì tương ứng theo phân loại Tanner độ II, III, IV và V. Các bệnh nhi nữ phải có kinh nguyệt ít nhất 1 năm. Mức LDL-C trung bình tại thời điểm ban đầu là 233mg/dL (trong khoảng 129 đến 399mg/dL). Tiếp theo sau nghiên cứu mù đôi 12 tuần là 1 pha điều chỉnh liều nhãn mở 40 tuần, trong đó các bệnh nhân được dùng rosuvastatin hằng ngày với liều 5 mg, 10 mg, 20 mg.
Rosuvastatin làm giảm đáng kể LDL-C (thông số nghiên cứu chính), cholesterol toàn phần và nồng độ apoB ở mỗi mức liều khi so với nhóm giả dược. Kết quả được trình bày ở Bảng 4.
- xem Bảng 4.
Ở tuần thứ 12 của giai đoạn điều trị mù đôi, tỉ lệ % bệnh nhân đạt được LDL-C mục tiêu <110mg/dL (2,8mmol/L) là 0% ở nhóm giả dược, 12% ở nhóm dùng rosuvastatin 5 mg, 41% ở nhóm dùng rosuvastatin 10 mg, 41% ở nhóm dùng rosuvastatin 20 mg. Trong giai đoạn nghiên cứu 40 tuần, nhãn mở, 71% bệnh nhân được điều chỉnh đến liều cao nhất 20 mg và 41% bệnh nhân đạt được LDL-C mục tiêu là 110mg/dL.
Rosuvastatin cũng được nghiên cứu trong một thử nghiệm có điều chỉnh liều theo mục tiêu, không đối chứng, nhãn mở kéo dài 2 năm bao gồm 175 trẻ em và thanh thiếu niên từ 8 đến 17 tuổi bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử (gồm 79 nam và 96 nữ). Tất cả bệnh nhân có khiếm khuyết di truyền gen LDL-receptor hay Apo B được ghi nhận. Khoảng 89% bệnh nhân da trắng, 7% bệnh nhân châu Á, 1% bệnh nhân da đen và <1% bệnh nhân gốc Latin. Mức LDL-C trung bình tại thời điểm ban đầu là 236mg/dL. Vào thời điểm ban đầu có 58 bệnh nhân (33%) chưa dậy thì. Liều khởi đầu rosuvastatin cho trẻ em và thanh thiếu niên là 5 mg/ngày. Trẻ em từ 8 đến nhỏ hơn 10 tuổi (n=41 tại thời điểm ban đầu) có thể được điều chỉnh đến liều cao nhất 10 mg/ngày, trẻ em và thanh thiếu nhiên từ 10 đến 17 tuổi được điều chỉnh đến liều cao nhất 20 mg/ngày.
So với thời điểm ban đầu, LDL-C nói chung giảm tương tự giữa các nhóm tuổi cũng như tương tự với những dữ liệu trước đây thu được từ thử nghiệm có đối chứng trên trẻ em và người lớn.
Hiệu quả dài hạn của rosuvastatin khi bắt đầu điều trị từ tuổi thiếu niên để làm giảm tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong lúc trưởng thành chưa được thiết lập.
Phòng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát
Thử nghiệm lâm sàng can thiệp đánh giá rosuvastatin trong phòng ngừa tiên phát (nghiên cứu JUPITER), hiệu quả của CRESTOR (rosuvastatin calcium) trên tần suất các biến cố tim mạch lớn được đánh giá trên 17.802 nam (≥50 tuổi) và nữ (≥60 tuổi) là những người chưa có bằng chứng lâm sàng về bệnh tim mạch, nồng độ LDL-C <130mg/dL (3,3mmol/L) và nồng độ hs-CRP ≥2mg/L. Khi bắt đầu nghiên cứu, quần thể nghiên cứu có nguy cơ bệnh mạch vành ước lượng là 11,6% trong 10 năm dựa trên tiêu chuẩn thang điểm nguy cơ Framingham và bao gồm tỷ lệ cao các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp (58%), HDL-C thấp (23%), hút thuốc (16%) hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành sớm (12%). Các đối tượng tham gia nghiên cứu có giá trị ban đầu LDL-C trung vị là 108mg/dL và hsCRP là 4,3mg/L. Các bệnh nhân tham gia được dùng ngẫu nhiên giả dược (n=8901) hoặc rosuvastatin 20 mg 1 lần/ngày (n=8901) và được theo dõi trong thời gian trung bình 2 năm. Nghiên cứu JUPITER phải ngưng sớm theo những quy tắc xác định trước về ngưng nghiên cứu của Ủy ban độc lập theo dõi tính an toàn dữ liệu (Data Safety Monitoring Broad) khi đánh giá hiệu quả trên bệnh nhân dùng rosuvastatin.
Thông số nghiên cứu chính là thông số gộp bao gồm thời gian cho đến khi xảy ra lần đầu bất kỳ các biến cố tim mạch chính sau: tử vong do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ không tử vong, nằm viện do đau thắt ngực không ổn định hoặc thủ thuật tái tưới máu mạch vành.
Rosuvastatin làm giảm đáng kể nguy cơ các biến cố tim mạch chính (252 biến cố ở nhóm giả dược so với 142 biến cố ở nhóm dùng rosuvastatin) với sự giảm nguy cơ tương đối là 44% và giảm nguy cơ tuyệt đối là 1,2% (xem Biểu đồ 1). Sự giảm này có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Sự giảm nguy cơ ở thông số nghiên cứu chính đồng nhất với các phân nhóm sau: tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng hút thuốc, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành sớm, chỉ số khối cơ thể, LDL-C, HDL-C và nồng độ hsCRP.
- xem Biểu đồ 1.
Những thành phần cụ thể của thông số nghiên cứu chính được giới thiệu trong Biểu đồ 2. Rosuvastatin làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ không tử vong và thủ thuật tái tưới máu mạch vành. Không có sự khác biệt đáng kể về mặt điều trị giữa nhóm dùng rosuvastatin hay giả dược về tử vong do nguy cơ tim mạch hay nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định.
Rosuvastatin làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim (6 biến cố tử vong và 62 biến cố không tử vong ở nhóm dùng giả dược so với 9 biến cố tử vong và 22 biến cố không tử vong ở nhóm dùng rosuvastatin) và nguy cơ đột quỵ (6 biến cố tử vong và 58 biến cố không tử vong ở nhóm dùng giả dược so với 3 biến cố tử vong và 30 biến cố không tử vong ở nhóm dùng rosuvastatin).
Trong một phân tích phân nhóm hậu kiểm (post-hoc) trên những người tham gia nghiên cứu JUPITER (n=1405, rosuvastatin=725, giả dược=680) với hsCRP ≥2mg/L và không có thêm yếu tố nguy cơ nào khác (hút thuốc, huyết áp ≥140/90 hoặc đang điều trị với thuốc trị tăng huyết áp, HDL-C thấp) không tính đến tuổi tác, sau khi điều chỉnh đối với nhóm có HDL-C cao, không thấy có ích lợi điều trị đáng kể khi điều trị bằng rosuvastatin.
- xem Biểu đồ 2.
Sau 1 năm, rosuvastatin làm tăng HDL-C và làm giảm LDL-C, hs CRP, cholesterol toàn phần và nồng độ triglyceride huyết thanh (p<0,001) ở tất cả các thông số khi so sánh với giả dược.