Truy xuất nguồn gốc
Để tăng cường việc truy xuất nguồn gốc của sinh phẩm, cần ghi rõ tên thương mại và số lô của thuốc được sử dụng.
Nhiễm trùng
Bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ các bệnh nhiễm trùng bao gồm bệnh lao trước, trong và sau khi điều trị với golimumab. Do sự thải trừ golimumab có thể kéo dài đến 5 tháng, cần tiếp tục giám sát bệnh nhân trong suốt thời gian này. Không được tiếp tục điều trị với golimumab nếu bệnh nhân xuất hiện một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng huyết (xem mục Chống chỉ định).
Không nên dùng golimumab cho bệnh nhân đang bị bệnh nhiễm trùng thể hoạt động, nghiêm trọng trên lâm sàng. Cần thận trọng khi xem xét dùng golimumab ở bệnh nhân có bệnh nhiễm trùng mạn tính hoặc có tiền sử nhiễm trùng tái phát. Bệnh nhân cần được tư vấn thích hợp, và tránh phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây nhiễm trùng.
Bệnh nhân đang dùng các thuốc ức chế TNF thường dễ nhiễm các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Đã có các báo cáo về các bệnh nhiễm trùng (bao gồm nhiễm trùng huyết và viêm phổi), nhiễm khuẩn Mycobacterium (bao gồm bệnh lao), nhiễm nấm xâm lấn và nhiễm trùng cơ hội, thậm chí gây tử vong, xuất hiện ở bệnh nhân dùng golimumab. Một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng này đã xảy ra ở bệnh nhân đang dùng đồng thời thuốc ức chế miễn dịch, cùng với tình trạng bệnh lý có sẵn nên dễ có khả năng mắc bệnh nhiễm trùng. Cần theo dõi chặt chẽ và tiến hành đánh giá chẩn đoán đầy đủ khi xuất hiện bệnh nhiễm trùng mới ở những bệnh nhân đang điều trị với golimumab. Nên ngừng sử dụng golimumab nếu bệnh nhân xuất hiện một bệnh nhiễm trùng mới nghiêm trọng hoặc bị nhiễm trùng huyết, và nên bắt đầu điều trị kháng khuẩn hoặc kháng nấm thích hợp cho đến khi kiểm soát được bệnh nhiễm trùng này.
Đối với bệnh nhân đang cư trú hoặc đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh nhiễm nấm xâm lấn như bệnh nấm histoplasma, bệnh nấm coccidioides, hoặc bệnh nấm blastomyces, cần phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi bắt đầu điều trị với golimumab. Ở những bệnh nhân có nguy cơ khi điều trị với golimumab, nên nghĩ đến nhiễm nấm xâm lấn nếu bệnh nhân xuất hiện một bệnh toàn thân nghiêm trọng. Khi tiến hành chẩn đoán và sử dụng trị liệu kháng nấm theo kinh nghiệm ở các bệnh nhân này, nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa về chăm sóc bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn nếu có thể.
Bệnh lao
Đã có các báo cáo về bệnh lao xảy ra ở bệnh nhân đang dùng golimumab. Cần lưu ý rằng trong đa số các báo cáo, bệnh lao xảy ra ngoài phổi, biểu hiện tại chỗ hoặc lan tỏa.
Trước khi bắt đầu điều trị với golimumab, tất cả các bệnh nhân phải được đánh giá bệnh lao cho cả thể hoạt động và không hoạt động ('tiềm ẩn'). Việc đánh giá này sẽ bao gồm tiền sử chi tiết với tiền sử mắc bệnh lao của cá nhân hoặc có thể tiếp xúc trước đây với người mắc bệnh lao và điều trị ức chế miễn dịch đã dùng trước đây và/hoặc hiện tại. Nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát thích hợp, như phản ứng lao tố ở da hoặc xét nghiệm máu và chụp X quang cho tất cả các bệnh nhân (có thể áp dụng các khuyến cáo của địa phương). Đề nghị nên ghi chép việc tiến hành các xét nghiệm này vào Thẻ nhắc nhớ cho bệnh nhân. Bác sỹ điều trị nên lưu ý đến nguy cơ phản ứng lao tố có kết quả âm tính giả, đặc biệt ở những bệnh nhân bị ốm nặng hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Nếu chẩn đoán bệnh lao thể hoạt động, không được bắt đầu điều trị với golimumab (xem mục Chống chỉ định).
Nếu nghi ngờ lao tiềm ẩn, nên tư vấn với bác sỹ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh lao. Trong tất cả các trường hợp được mô tả sau đây, nên xem xét rất cẩn thận cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ khi điều trị với golimumab.
Nếu chẩn đoán bệnh lao thể không hoạt động (‘tiềm ẩn’), phải bắt đầu điều trị bệnh lao tiềm ẩn với các thuốc kháng lao trước khi bắt đầu dùng golimumab, và tuân theo các khuyến cáo của địa phương.
Nên cân nhắc điều trị kháng lao trước khi bắt đầu dùng golimumab ở những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ hoặc có yếu tố nguy cơ quan trọng với bệnh lao và có kết quả âm tính với lao tiềm ẩn. Cũng nên cân nhắc điều trị kháng lao trước khi dùng golimumab ở những bệnh nhân có tiền sử lao tiềm ẩn hoặc thể hoạt động mà không thể xác định được phác đồ điều trị đầy đủ.
Đã xuất hiện lao thể hoạt động ở bệnh nhân sử dụng golimumab trong và sau khi điều trị lao tiềm ẩn. Bệnh nhân dùng golimumab cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng của lao thể hoạt động, bao gồm cả bệnh nhân có xét nghiệm âm tính với nhiễm lao tiềm ẩn, bệnh nhân đang điều trị lao tiềm ẩn, hoặc bệnh nhân trước đó đã điều trị nhiễm lao.
Nên đề nghị tất cả bệnh nhân tham khảo ý kiến bác sỹ nếu có các dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý bệnh lao (như ho dai dẳng, gầy ốm/sụt cân, sốt nhẹ) xuất hiện trong hoặc sau khi điều trị với golimumab.
Tái hoạt động virus viêm gan B
Đã xuất hiện tái hoạt động viêm gan B (HBV) ở những bệnh nhân là người mang virus mạn tính (nghĩa là có xét nghiệm kháng nguyên bề mặt dương tính) đang dùng thuốc ức chế TNF, bao gồm cả golimumab. Một số trường hợp đã dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân cần được xét nghiệm nhiễm HBV trước khi bắt đầu điều trị với golimumab. Đối với bệnh nhân có xét nghiệm nhiễm HBV dương tính, đề nghị tư vấn với bác sỹ chuyên khoa về điều trị viêm gan B.
Bệnh nhân mang HBV mạn tính cần điều trị với golimumab cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm HBV thể hoạt động trong quá trình điều trị và vài tháng sau khi ngừng điều trị. Vẫn chưa có các dữ liệu đầy đủ về điều trị thuốc kháng virus kết hợp với thuốc ức chế TNF trên bệnh nhân là người mang HBV để dự phòng tái hoạt động HBV. Ở những bệnh nhân xuất hiện tái hoạt động HBV, nên ngừng dùng golimumab và bắt đầu điều trị kháng virus hữu hiệu cùng trị liệu hỗ trợ thích hợp.
U ác tính và các rối loạn tăng sinh lympho
Chưa rõ vai trò tiềm ẩn của điều trị ức chế TNF trong sự phát triển các bệnh u ác tính. Dựa trên kiến thức hiện nay, không thể loại trừ nguy cơ tiềm ẩn phát triển các u lympho, bệnh bạch cầu hoặc các u ác tính khác ở bệnh nhân được điều trị với thuốc ức chế TNF. Cần thận trọng khi xem xét điều trị ức chế TNF cho bệnh nhân có tiền sử bệnh u ác tính hoặc khi cân nhắc tiếp tục điều trị cho bệnh nhân mới xuất hiện bệnh u ác tính.
U ác tính ở trẻ em
Đã có các báo cáo sau khi lưu hành về bệnh u ác tính, trong đó một số trường hợp tử vong, trong số trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi (lên tới 22 tuổi) dùng thuốc ức chế TNF (bắt đầu điều trị lúc ≤18 tuổi). Khoảng một nửa các trường hợp này là u lympho. Số còn lại mắc các bệnh u ác tính khác nhau và cả các bệnh u ác tính hiếm gặp thường liên quan đến thuốc ức chế miễn dịch. Không thể loại trừ nguy cơ phát triển các bệnh u ác tính ở trẻ em và thanh thiếu niên được điều trị với thuốc ức chế TNF.
U lympho và bệnh bạch cầu
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng với tất cả các thuốc ức chế TNF bao gồm golimumab, số trường hợp u lympho xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân dùng thuốc kháng TNF khi so với nhóm chứng. Trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IIb và giai đoạn III với SIMPONI trên viêm khớp dạng thấp (RA), viêm khớp vẩy nến (PsA) và viêm cột sống dính khớp (AS), tỷ lệ mới mắc u lympho ở nhóm bệnh nhân điều trị với golimumab cao hơn so với dự kiến trong quần thể chung. Đã có các báo cáo về bệnh bạch cầu xảy ra ở bệnh nhân dùng golimumab. Nguy cơ cơ bản về u lympho và bệnh bạch cầu đã gia tăng ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp với bệnh lý viêm kéo dài và có hoạt tính cao; điều này làm phức tạp việc ước lượng các nguy cơ.
Hiếm có báo cáo sau khi lưu hành về u lympho tế bào T thể gan-lách (HSTCL) ở bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế TNF khác (xem mục Tác dụng không mong muốn). Loại u lympho tế bào T hiếm gặp này có quá trình diễn tiến bệnh rất nhanh và thường gây tử vong. Hầu hết các trường hợp này xuất hiện ở thanh thiếu niên và bệnh nhân nam trẻ tuổi mà hầu hết các bệnh nhân này đều sử dụng đồng thời azathioprine (AZA) hoặc 6-mercaptopurine (6-MP) để điều trị bệnh viêm ruột. Cần xem xét cẩn thận nguy cơ tiềm ẩn khi phối hợp AZA hoặc 6-MP với golimumab. Không thể loại trừ nguy cơ phát triển u lympho tế bào T thể gan-lách ở bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế TNF.
U ác tính khác không phải u lympho
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IIb và III với SIMPONI trên các bệnh nhân bị RA, PsA, AS, và UC, tỷ lệ mới mắc u ác tính không phải u lympho (không bao gồm ung thư da không phải u hắc tố) là như nhau giữa nhóm golimumab và nhóm chứng.
Loạn sản/ung thư đại tràng
Vẫn chưa biết rõ ảnh hưởng của điều trị golimumab lên nguy cơ phát triển loạn sản hoặc ung thư đại tràng. Cần khám tầm soát loạn sản định kỳ trước và trong khi điều trị bệnh cho tất cả bệnh nhân bị viêm loét đại tràng có nguy cơ gia tăng về loạn sản hoặc ung thư đại tràng (ví dụ, bệnh nhân bị viêm loét đại tràng lâu ngày hoặc viêm xơ đường mật nguyên phát), hoặc những bệnh nhân có tiền sử loạn sản hoặc ung thư đại tràng. Đánh giá tầm soát nên bao gồm nội soi đại tràng và sinh thiết theo khuyến cáo của địa phương. Đối với những bệnh nhân mới được chẩn đoán loạn sản trong quá trình điều trị golimumab, cần xem xét kỹ về lợi ích và nguy cơ cho từng bệnh nhân và cân nhắc có nên tiếp tục điều trị hay không.
Trong một thử nghiệm lâm sàng thăm dò đánh giá việc sử dụng golimumab cho bệnh nhân bị hen nặng kéo dài, các báo cáo về u ác tính xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân dùng golimumab khi so với nhóm chứng (xem mục Tác dụng không mong muốn). Chưa rõ ý nghĩa của phát hiện này.
Trong một thử nghiệm lâm sàng thăm dò đánh giá việc sử dụng một thuốc kháng TNF khác là infliximab trên bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) từ trung bình đến nặng, đã có báo cáo các khối u ác tính, chủ yếu ở phổi hoặc đầu và cổ, ở nhóm dùng infliximab nhiều hơn so với nhóm chứng. Tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử nghiện thuốc lá nặng. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng bất kỳ thuốc ức chế TNF ở bệnh nhân COPD, cũng như ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc u ác tính gia tăng do nghiện thuốc lá nặng.
Ung thư da
U hắc tố ác tính và ung thư biểu mô tế bào Merkel đã được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị thuốc ức chế TNF, bao gồm golimumab (xem mục Tác dụng không mong muốn). Khuyến cáo khám da định kỳ, đặc biệt cho những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ về ung thư da.
Suy tim sung huyết
Đã có các báo cáo về suy tim sung huyết diễn biến xấu đi và suy tim sung huyết mới khởi phát khi dùng các thuốc ức chế TNF, bao gồm golimumab. Một vài trường hợp đã tử vong. Một thử nghiệm lâm sàng với một thuốc ức chế TNF khác đã ghi nhận suy tim sung huyết diễn biến xấu đi và tỷ lệ tử vong đã gia tăng vì suy tim sung huyết. Chưa nghiên cứu golimumab trên những bệnh nhân suy tim sung huyết. Cần thận trọng khi dùng golimumab cho bệnh nhân bị suy tim nhẹ (phân loại NYHA I/II). Nên theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và phải ngừng dùng golimumab nếu bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng hoặc triệu chứng suy tim trước đó trở nên xấu đi (xem mục Chống chỉ định).
Biến cố về thần kinh
Sử dụng thuốc ức chế TNF, bao gồm golimumab có liên quan tới các trường hợp mới khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng lâm sàng và/hoặc bằng chứng trên X quang của các rối loạn thoái hóa myelin tại hệ thần kinh trung ương, bao gồm bệnh đa xơ cứng và rối loạn thoái hóa myelin ngoại biên. Cần cân nhắc cẩn thận lợi ích và nguy cơ của điều trị ức chế TNF trước khi bắt đầu điều trị golimumab ở bệnh nhân đã có rối loạn thoái hóa myelin từ trước hoặc mới khởi phát. Nên xem xét ngừng golimumab khi xuất hiện các rối loạn này (xem mục Tác dụng không mong muốn).
Phẫu thuật
Kinh nghiệm còn hạn chế về tính an toàn của golimumab trên bệnh nhân trải qua phẫu thuật, bao gồm chỉnh hình khớp. Nếu lên kế hoạch phẫu thuật, cần tính đến thời gian bán hủy kéo dài của thuốc. Nên giám sát chặt chẽ các bệnh nhiễm trùng và có hành động phù hợp đối với bệnh nhân cần phẫu thuật trong khi đang điều trị với golimumab.
Ức chế miễn dịch
Các thuốc ức chế TNF, bao gồm golimumab có khả năng ảnh hưởng đến cơ chế phòng vệ của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng và các bệnh ác tính vì TNF có vai trò trung gian trong phản ứng viêm và điều hòa đáp ứng miễn dịch tế bào.
Quá trình tự miễn
Việc thiếu hụt tương đối TNFα do thuốc ức chế TNF gây ra có thể dẫn đến khởi đầu quá trình tự miễn. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gợi ý hội chứng giống lupus sau khi điều trị với golimumab và xuất hiện kháng thể kháng DNA sợi kép, nên ngừng điều trị với golimumab (xem mục Tác dụng không mong muốn).
Phản ứng huyết học
Đã có các báo cáo giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, và giảm tiểu cầu ở các bệnh nhân dùng thuốc ức chế TNF, bao gồm golimumab. Tất cả các bệnh nhân cần được tư vấn để chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý rối loạn tạo máu (như sốt dai dẳng, bầm tím, chảy máu, xanh xao). Cần xem xét ngừng điều trị golimumab ở những bệnh nhân có các bất thường đáng kể về huyết học đã được xác định.
Sử dụng đồng thời các thuốc ức chế TNF với anakinra
Đã gặp nhiễm trùng nghiêm trọng và giảm bạch cầu trung tính trong các nghiên cứu lâm sàng sử dụng đồng thời anakinra với thuốc ức chế TNF khác là etanercept, mà không có thêm lợi ích trên lâm sàng. Do bản chất của các biến cố bất lợi gặp trong điều trị phối hợp này, các độc tính tương tự cũng có thể xảy ra khi phối hợp anakinra với các thuốc ức chế TNF khác. Không khuyến cáo dùng phối hợp golimumab với anakinra.
Sử dụng đồng thời các thuốc ức chế TNF với abatacept
Trong các nghiên cứu lâm sàng, sử dụng đồng thời các thuốc ức chế TNF với abatacept làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng nghiêm trọng, khi so với dùng thuốc ức chế TNF đơn độc, mà không có thêm lợi ích lâm sàng. Không khuyến cáo dùng phối hợp golimumab với abatacept.
Sử dụng đồng thời với các liệu pháp sinh học khác
Không có đủ thông tin về việc sử dụng đồng thời golimumab với các liệu pháp sinh học khác được dùng để điều trị các bệnh lý tương tự như chỉ định điều trị của golimumab. Sử dụng phối hợp golimumab với các liệu pháp sinh học khác không được khuyến cáo vì có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, và các tương tác dược lý tiềm ẩn khác.
Chuyển đổi giữa các liệu pháp sinh học DMARD
Cần thận trọng khi chuyển đổi thuốc sinh học này bằng thuốc sinh học khác và bệnh nhân cần được tiếp tục giám sát do hoạt tính sinh học trùng lặp có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố bất lợi, bao gồm nhiễm trùng.
Chủng ngừa/tác nhân lây nhiễm để điều trị
Trong thời gian điều trị với golimumab, bệnh nhân có thể được tiêm chủng, ngoại trừ vaccine sống (xem mục Tương tác và Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú). Dữ liệu trên bệnh nhân đang dùng thuốc kháng TNF vẫn còn hạn chế về đáp ứng tiêm chủng với vaccine sống, hoặc nhiễm trùng do lây nhiễm thứ phát từ vaccine sống. Sử dụng vaccine sống có thể gây nhiễm trùng trên lâm sàng, bao gồm nhiễm trùng lan tỏa.
Sử dụng các tác nhân lây nhiễm khác để điều trị như vi khuẩn sống giảm độc (ví dụ, truyền nhỏ giọt BCG vào bàng quang để điều trị ung thư) có thể gây nhiễm trùng lâm sàng, bao gồm nhiễm trùng lan tỏa. Không khuyến cáo sử dụng đồng thời golimumab với các tác nhân lây nhiễm để điều trị.
Phản ứng dị ứng
Theo kinh nghiệm sau khi lưu hành, phản ứng quá mẫn toàn thân nghiêm trọng (kể cả phản ứng phản vệ) đã được ghi nhận sau khi tiêm golimumab. Một số trong các phản ứng đó xảy ra ngay sau khi sử dụng golimumab lần đầu. Nếu có phản ứng phản vệ hoặc các phản ứng dị ứng nghiêm trọng khác xảy ra, cần ngừng golimumab ngay lập tức và tiến hành điều trị thích hợp.
Nhạy cảm với mủ cao su (latex)
Nắp đậy kim tiêm của bút tiêm hoặc bơm tiêm chứa sẵn thuốc được sản xuất bằng cao su tự nhiên khô có chứa mủ cao su (latex), và có thể gây phản ứng dị ứng cho người nhạy cảm với latex.
Đối tượng đặc biệt
Người cao tuổi (≥65 tuổi):
Trong các nghiên cứu giai đoạn III trên bệnh nhân bị RA, PsA, AS và UC, không thấy những khác biệt nói chung về các biến cố bất lợi (AE), các biến cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) và các nhiễm trùng nặng khi dùng golimumab ở bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên so với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi điều trị cho người cao tuổi và cần chú ý đặc biệt về sự xuất hiện các nhiễm trùng. Nghiên cứu nr-Axial SpA không có bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên.
Suy thận và suy gan
Chưa thực hiện các nghiên cứu chuyên biệt sử dụng golimumab trên bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan. Nên cẩn thận khi dùng golimumab cho các đối tượng suy giảm chức năng gan (xem mục Liều lượng và Cách dùng).
Trẻ em
Tiêm chủng: Nếu có thể, khuyến cáo trước khi bắt đầu điều trị golimumab, bệnh nhân nhi nên được tiêm đầy đủ tất cả các tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn về tiêm chủng (xem Chủng ngừa/tác nhân lây nhiễm để điều trị ở trên).
Tá dược
SIMPONI chứa sorbitol (E420). Ở bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp không dung nạp fructose, nên cân nhắc về tác dụng cộng hợp của việc dùng đồng thời các sản phẩm chứa sorbitol (hay fructose) và chế độ ăn có sorbitol (hay fructose).
Khả năng cấp phát thuốc nhầm lẫn
SIMPONI được đăng ký với hàm lượng 50 mg và 100 mg để tiêm dưới da. Điều quan trọng là phải dùng đúng hàm lượng để tiêm đúng liều thuốc được chỉ định như trong liều dùng (xem mục Liều lượng và Cách dùng). Cần thận trọng để cấp thuốc đúng hàm lượng nhằm bảo đảm bệnh nhân không dùng thuốc dưới liều hoặc quá liều chỉ định.
Ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc
SIMPONI có ảnh hưởng không đáng kể lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên, chóng mặt có thể xảy ra sau khi tiêm SIMPONI (xem mục Tác dụng không mong muốn).